Trang chủ Gia Đình Món ngon quê tôi “Nhà mình ngày Tết”: Xí muội quật – đậm tình Tết quê

“Nhà mình ngày Tết”: Xí muội quật – đậm tình Tết quê

0
145

Chợ quê tôi (Hội An, Quảng Nam) những ngày cuối năm đông hẳn hơn ngày thường. Bên cạnh các mặt hàng bánh kẹo nhập về còn có sản vật hoa quả vườn nhà, những sạp bán bánh truyền thống như bánh in, bánh nổ, bánh thuẫn và đặc biệt không thể thiếu món xí muội quật.

Năm nào cũng vậy, khi hương vị Tết bắt đầu len lỏi khắp vùng quê xứ Quảng, nhiều gia đình phố Hội lại bắt tay vào làm xí muội quật. Ở Hội An, xí muội quật có từ lâu đời và đây là món thường xuất hiện trong ngày Tết cổ truyền.

Dịp Tết, bạn bè thân hữu viếng thăm, những lát xí muội quật (từ địa phương – tức quất) thơm ngon được chuyển từ bàn thờ gia tiên xuống, bày ra đĩa mời nhau, nhâm nhi cùng tách chè tươi bốc khói trên tay thì còn gì bằng!

“Nhà mình ngày Tết”: Xí muội quật - đậm tình Tết quê - Ảnh 1.

Vườn quật Hội An khoe trái vàng rực

Xí muội quật – trong trí nhớ của tôi, là những lần chị em tôi lẽo đẽo theo mẹ ra vườn hái quật. Đó cũng là thời điểm tiết trời xứ Quảng cuối năm se se lạnh, hàng trăm gốc quật nơi miền đất cát trắng Hội An đua hương, khoe trái vàng rực. Cái mùi hương nồng cay, thoang thoảng trong gió báo hiệu ngày tháng chạp đã kề cận cái Tết.

Mấy mẹ con tôi đi giữa vườn quật, hái từng rổ vàng ươm. Ngoài việc dùng quả để ăn hằng ngày, làm nước giải khát, nấu siro, quật còn để làm mứt. Tuy nhiên, chị em tôi thích nhất là xí muội quật. Giữa tiết trời se lạnh, vị chua thanh tự nhiên của quật, vị ngọt của đường hòa lẫn vị cay cay của ớt bột chính là sức hút mãnh liệt của món xí muội đối với chị em tôi.

Món xí muội quật đã từng gây “sốt” trong danh sách quà vặt tuổi thơ của thế hệ 8X chúng tôi, và bất cứ người phụ nữ miệt vườn nào cũng có thể làm được. Quật làm xí muội là loại được trồng ngoài vườn, không phải quật cảnh.

Quật hái về, mẹ hướng dẫn chị em tôi chọn những quả tròn đều, không quá chín, ngâm với nước vôi trong chừng hơn 2 giờ. Sau đó, vớt quật ra rửa sạch nước vôi rồi luộc chừng 5 phút cho vừa chín, đổ nhanh quật vào thau nước lạnh.

“Nhà mình ngày Tết”: Xí muội quật - đậm tình Tết quê - Ảnh 2.

Quật chọn những quả tròn đều, không quá chín, ngâm với nước vôi trong chừng hơn 2 giờ

Công đoạn tiếp đến là dùng lưỡi lam khứa từng quả quật thành 4 hoặc 5 khía, rồi ấn dẹt cho ra nước và hạt. Khi hoàn thành sẽ trở thành những bông hoa 4, 5 cánh rất đẹp. Rửa lại quật, để ráo nước rồi mới ngâm với đường và một ít ớt bột. Tùy vào sở thích của mỗi gia đình mà chỉnh lượng đường, ớt cho phù hợp.

Sên xí muội quật chính là công đoạn quyết định chất lượng nên phần này luôn được mẹ đảm nhiệm. Khi sên quật, nếu lửa quá già hay quá non có thể làm cho cả mẻ xí muội bị hỏng, bên cạnh đó trong quá trình đun lửa phải biết cách đảo xí muội cho khỏi cháy.

Khi thấy nước đường bám vào quật trong suốt thì tắt lửa, chờ thật nguội mới cho xí muội vào lọ thủy tinh để ăn dần. Thời đó, không có tủ lạnh nên một mẻ xí muội mẹ làm vừa đủ ăn, không để quá 3 ngày. Khi ngậm từng miếng xí muội quật vào miệng để thưởng thức, cái vị ngòn ngọt, the the, tê tê, cay cay ngay từ khi chạm vào đầu lưỡi như tạo một cảm giác ấm nồng giữa tiết xuân se lạnh thật là tuyệt vời.

“Nhà mình ngày Tết”: Xí muội quật - đậm tình Tết quê - Ảnh 3.

Món xí muội quật hấp dẫn trong ngày Tết

Ngày tháng trôi nhanh, đã bao mùa quật đi qua, cha mẹ cũng đã già, chị em tôi lớn lên, trưởng thành cùng với món xí muối quật của mẹ ngày nào. Em trai tôi hiện làm việc tận bên Úc, mới điện về hôm qua, rưng rưng nói: “Tết đến rồi chị nhỉ, những ngày này em nhớ xí muội quật mẹ làm quá”.

Món xí muội quật ngày xưa mẹ làm giờ vẫn còn phổ biến và trở thành món đặc sản phố Hội. Chiều nay, gió từ cửa sông hắt lên, trong hương thơm mùi quật thoảng qua, tôi nhớ vô cùng bếp lửa hồng trong chái bếp nghèo ấm áp năm xưa – nơi có cha mẹ và cả em trai, nơi đầy ắp kỷ niệm một thời với món xí muội quật.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây