0
127

Món quà quê

Từ lâu, bánh đúc được coi là một thức quà quê. Xưa các bà, các mẹ đi chợ về chỉ có tấm bánh đúc làm quà cho con trẻ. Ngày nay, bánh đúc trở thành món ăn sáng, ăn trưa, hay ăn thêm trước bữa cơm tối. Bánh đúc đã trở nên thân thuộc với mọi gia đình người Việt.

Tuy là món ăn đơn giản, với nguyên liệu bình dân chỉ có gạo trắng, lạc, nhưng người làm bánh phải rất cầu kỳ, tỷ mỉ mới cho ra mẻ bánh ngon, làm hài lòng mọi khách hàng.

Bánh đúc là món quà quê được nhiều người ưu thích.

Theo chia sẻ của một số chủ quán làm bánh đúc, để có được tấm bánh đúc thơm, ngon, mềm mịn và dẻo dai, khâu quan trọng nhất chọn gạo ngon. Trong quá trình chế biến, gạo được vo và đãi sạch tạp chất.

Ngâm gạo trong nước vôi trong hoặc nước tro cho tới khi tay bóp hạt gạo thấy bở tơi, sau đó đãi sạch, để ráo nước và đem đi xay thành bột mịn. Lạc được ngâm từ 3-5 tiếng, bóc vỏ, rửa sạch, luộc chín, vớt ra để ráo. Khâu nấu và khuấy bánh cũng phải là những người đã có kinh nghiệm lâu năm, chất vừa lửa, đảo đều tay.

Bánh đúc nấu xong được múc ra bát, hoặc khay.

Cô Bùi Thị Ninh, chủ quán bánh đúc tại dốc Hàng Than, quận Hoàn Kiếm, chia sẻ: “Tôi bán bánh đúc hơn 30 năm nay. Để có miếng bánh đúc chuẩn hương vị truyền thống, công đoạn quan trọng và vất vả nhất là khuấy bánh. Khi đổ bột vào nồi cần gạn qua rây lọc để bột được mịn, mặt bánh đúc mới mướt. Trong quá trình nấu, để nhỏ lửa và thường xuyên đảo đều kết hợp với điều chỉnh nhiệt độ phù hợp tùy theo từng giai đoạn nấu thì mới cho ra mẻ bánh chín mềm mịn, không bị khê”.

Khi bột đã chín đều, người làm bánh tiếp tục cho thêm lạc, đun và khuấy đều một lúc cho bột và lạc quện vào với nhau. Ngay khi bắc ra, người ta đổ bánh đúc lên một cái khay, dàn đều khi còn nóng. Để nguội, mặt bánh đúc đanh lại, bóng như quét dầu. Độ bóng đó là của gạo và dầu lạc. Bánh chín vừa mới đổ ra, thơm lừng mùi gạo và lạc.

Đa dạng khẩu vị từ bánh đúc

 

Bánh đúc vừa mới làm xong ăn không cũng được. Khi nhai kỹ ta cảm nhận được độ bùi, béo ngậy của gạo và lạc. Nhưng theo cách ăn truyền thống của người Việt Nam là bánh đúc chấm tương bần.

Bánh đúc chấm tương thể hiện nét ẩm thực thanh tao, dân dã của bao thế hệ người Việt. Trong mỗi góc phố, ngõ nhỏ của Hà Nội, ngày nay món bánh đúc nói chung và bánh đúc chấm tương vẫn rất phổ biến.

Bánh đúc nộm.
Bánh đúc nộm.

Kinh tế thị trường, giúp người dân phát triển thêm những hương vị mới cho bánh đúc, như: Bánh đúc thêm hành mỡ, riêu cua, bánh đúc ngô, bánh đúc nước dừa…

Người viết bài này đã có dịp ghé thăm quán bánh đúc nộm ở Hàng Than. Quán thu hút khá đông người ăn vào mùa Hè. Bởi bánh đúc nộm có vị thanh mát đặc biệt. Bánh đúc nộm được làm từ những miếng bánh đúc cắt nhỏ như sợi bánh canh, giá trần, nước nộm.

Cái hồn của món bánh đúc nộm đặc biệt ở nước canh. Nước nộm được làm từ nước lạc vừng rang rồi xay nhuyễn và đun cùng với nước giá trần, nêm nếm thật vừa đủ độ ngọt thanh, béo ngậy và thơm mùi lạc vừng. Nước nộm thường sẽ có màu trắng sữa, đùng đục đặc trưng. Theo chia sẻ của chủ quán, nước nộm nấu xong để thật nguội.

Khách hàng thưởng thức bánh đúc nộm.
Khách hàng thưởng thức bánh đúc nộm.

Khi ăn chan lên bánh đúc và giá trần. Khi ăn, có thể cảm nhận được bánh đúc mịn mềm, bùi và béo ngậy từ gạo, lạc, vừng và giòn rụm từ giá đỗ. Bánh đúc nộm ăn kèm với các loại rau thơm như ngổ, tía tô, rau chuối,… sẽ làm món ăn trở nên thơm ngon.

Anh Quyết ở phố Hàng Bè, quận Hoàn Kiếm, chia sẻ “Vào buổi chiều cuối tuần, tôi thường qua đây ăn. Mùa đông, tôi thích ăn bánh đúc chấm tương bần hoặc lạc vừng. Mùa hè, trời nắng nóng tôi hay ăn bánh đúc nộm. Món ăn ngon, mát và giá thành hợp lý”.

Bánh đúc, dù có ăn kèm với gia vị gì cũng luôn cho ta một món ăn dân dã, đầy hoài niệm về những năm tháng tuổi thơ đã được thưởng thức và gắn bó. Dù chỉ là một thức quà quê, nhưng ai đã từng ăn một lần sẽ đều nhớ mãi hương vị thơm ngon, ngọt, bùi.

https://kinhtedothi.vn/banh-duc-mon-an-truyen-thong-thanh-dam-duoc-nhieu-nguoi-ua-thich.html

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây