Ngày Tết, ở Kinh Môn (Hải Dương), bên cạnh bánh chưng, nhà nào cũng phải có dăm ba khuôn bánh lòng để vừa cúng gia tiên, vừa làm món ăn lai rai ngày Tết.
Lần đầu nghe đến bánh lòng, ai cũng thấy lạ. Bởi đây là món ăn chỉ làm trong gia đình và thường chỉ ngày Tết mới có ở Kinh Môn. Nhân những ngày giáp Tết, tôi về Kinh Môn, ghé thăm bà Nguyễn Thị Minh – người phụ nữ đã hơn 70 tuổi vẫn đều đặn làm bánh lòng mỗi năm.
Nhà bà Minh nằm ngay dưới chân núi An Phụ, trên đường đến nhà bà, tôi gặp những cô xúng xính áo dài lên Đền Cao để vãn cảnh chùa. Bà Minh vui vẻ, hồn hậu mời tôi vào xem bà làm bánh lòng.
Trong cái rét buốt và tiếng gà văng vẳng của buổi chiều đông, bà Minh cho biết, gọi là bánh lòng vì món ăn này xuất phát từ tấm lòng thơm thảo của người dân Kinh Môn với tổ tiên. Là vùng đất bán sơn địa, trên có núi xanh, dưới có dòng sông Kinh Thầy đầy ắp phù sa bao quanh, người dân Kinh Môn đã trồng ra thứ gạo nếp cái hoa vàng nức tiếng.
Gạo nếp cái hoa vàng đã làm nên những chiếc bánh chưng xanh thơm, dẻo… Tuy nhiên, bánh chưng chỉ để thắp hương và ăn trong mâm cơm, còn món đãi khách ghé chơi ngày Tết thì chưa có. Vậy là từ gạo nếp cái hoa vàng, cùng với gừng, lạc, vừng… người dân Kinh Môn sáng tạo ra món ăn chơi dân dã mang tên bánh lòng.
Kỳ công nhất của món bánh lòng nằm ở khâu chọn và sơ chế nguyên liệu. Gạo nếp cái hoa vàng phải là gạo mới thu từ tháng 10, hạt căng, tròn đem đi nổ thành bỏng. Trước kia phải đem thóc rang trong chảo gang lớn, vừa đảo thật nhanh vừa giữ lửa ổn định để không bị cháy.
Thóc nổ thành bỏng đem đổ ra nia để nhặt, sấy cho hết vỏ trấu. “Từ khi có máy nổ bỏng, công đoạn này được giao cho bọn trẻ con. Hầu như trước khi được làm bánh lòng, chúng tôi đều được giao cho đi nổ bỏng trước”, bà Minh nhớ lại những ngày giáp Tết thời thơ ấu.
Lạc, gừng, vừng là những nguyên liệu dễ kiếm trong vườn nhà. Lạc chọn những hạt tròn to, không bị mốc nếu mùi không sẽ rất hôi. Vừng sàng qua để lấy hạt chắc. Gừng chọn những củ tươi, nhỏ, vỏ sần để có hương vị thơm, cay.
“Người giã nhỏ bỏng; người cạo sạch, giã nhuyễn gừng; người rang lạc, vừng thật thơm… Mọi người cùng đồng lòng là ra món bánh ngon”. Bà Minh hào hứng kể.
Đủ nguyên liệu, bà Minh bắc lên bếp nồi nước, thả gừng giã vào. Khi nước sôi, mùi gừng bốc lên thơm phức, bà Minh cho tiếp đường nâu, lạc và vừng. Trong căn bếp nhỏ, dù chưa được thưởng thức nhưng mùi thơm của gừng tỏa lên đã gợi cho thực khách cảm giác ấm áp về một món bánh rất hợp cho những ngày mùa đông.
Tắt bếp, bà Minh nhanh tay đổ nồi nước hỗn hợp vào chậu bỏng trắng, mịn, thơm nhẹ mùi gạo nếp rồi dùng đôi đũa cả đảo cho đều và nhuyễn. Theo bà, ngoài những nguyên liệu truyền thống, ngày nay người làm còn cho thêm chút dầu chuối, dừa khô. Nhiều gia đình còn sáng tạo cho thêm cả nguyên liệu dễ kiếm ngày Tết như mứt bí.
Vừa trò chuyện với tôi, bà Minh vẫn nhanh tay đảo thật đều bột bánh, thật dẻo, sau đó lại chuyển sang nhào. “Hỗn hợp nước nếu cho quá nhiều sẽ bị nát, quá ít lại bị khô, khó tạo khuôn, ra thành phẩm bị cứng. Nhào hỗn hợp không quá nặng tay, tuy nhiên phải dùng lực đều để các nguyên liệu hoàn toàn hòa quyện với nhau”, bà Minh nói.
Đặc biệt, lạc phải cho vào đun cùng hỗn hợp nước gừng, đường vì nếu để riêng trộn sau sẽ khó tạo độ kết dính. Khuôn để ép bánh được làm bằng gỗ, dài khoảng 22cm, rộng tầm 11 cm. Bánh đổ vào khuôn được bà Minh ép đều, phủ một lớp mỏng bột nếp rang chín, sau đó đậy miếng gỗ lên rồi chèn lên một viên đá to.
“Thời gian ép bánh không quá lâu. Ngày xưa dù chiều 30 Tết vẫn còn cấy ngoài ruộng, nhưng cứ đến tối, tôi về nhà vẫn kịp làm mẻ bánh lòng để cúng gia tiên”, bà Minh vừa trải tấm giấy bóng để lót bánh vừa kể với tôi.
Tôi với bà trò chuyện được đôi câu thì bánh được cắt. Bà Minh khéo léo dùng dao ấn nhẹ, chia tảng bánh to thành những thanh bánh nhỏ vừa ăn. Miếng bánh lòng nhỏ xinh khi nếm thử có độ xốp, dẻo, thơm mùi gạo chín trên đồng, nồng ấm mùi gừng và cái béo, bùi của vừng, lạc.
Độ ngọt của bánh rất thanh, không hề gắt ở cuống họng, các nguyên liệu hòa quyện, thi thoảng cắn trúng miếng lạc giã to khiến tôi vô cùng thích thú. Là món ăn từ cây đồng cỏ nội, tuy nhiên hương vị của bánh lòng khiến ai đã nếm thử hôm nay thì chỉ ngày mai là lại ước có thanh bánh lòng để ăn.
Đối với người dân Kinh Môn, bánh lòng không chỉ là món bánh xuất phát từ tấm lòng “uống nước nhớ nguồn”, thơm thảo với tổ tiên, bà con lối xóm mà còn thể hiện sự trân trọng thành quả lao động sau mùa vụ vất vả để tạo ra những hạt gạo nếp cái hoa vàng dẻo thơm nức tiếng.
Đã thành lệ, cái cảnh nhà nhà giã bỏng, đun gừng thơm nức hay leo dốc đội bánh lòng lên Đền Cao đã trở thành lối văn hóa đẹp mà bà Minh cũng như người dân Kinh Môn luôn cố gắng giữ gìn.
Nguồn: https://dulich.laodong.vn/am-thuc/banh-long-thuc-qua-tet-gay-thuong-nho-cua-nguoi-hai-duong-1301244.html