Chiếc bánh tẻ nhỏ nhắn, dân dã hòa quyện tinh tế hương vị tự nhiên và sự khéo léo của người làng Chờ, tạo thành món ăn dân dã mà vô cùng hấp dẫn của vùng quê Kinh Bắc.
Hồn cốt của ẩm thực làng quê Việt
Bắc Ninh không chỉ là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi đây còn nổi tiếng với nhiều món ăn dân dã mà tinh tế làm say lòng khách thập phương. Bánh tẻ làng Chờ (thị trấn Chờ, huyện Yên Phong) là một đặc sản như vậy.
Bánh tẻ không phải loại bánh lạ, nhưng với bánh tẻ làng Chờ, thì đặc biệt thơm ngon. Những chiếc bánh được gói trong lá dong nhỏ, chỉ to chừng 2 ngón tay nhưng mỏng vỏ, nhiều nhân thơm phức luôn là điểm thu hút của món ăn này.
Nét đặc trưng của bánh tẻ Chờ là dẻo chứ không nhão, nát như bánh giò. Bánh vừa có độ giòn lại vừa có vị đậm, vị béo của nhân, nồng nàn của mùi lá, không thể lẫn vào thứ bánh tẻ nào khác được.
Cùng với vị ngậy ngậy của thịt, giòn dai của mộc nhĩ, thơm thơm của tiêu là vị bùi, dẻo của lớp vỏ bánh quyện lại với nhau khi ăn tạo nên hương vị rất khác biệt.
Bánh tẻ Chờ ngon nhất là ăn nóng, khi bánh vừa mới ra lò. Nhẹ nhàng dùng tay bóc lớp lá ra, sẽ thấy hương thơm thanh mát của lá dong quyện với mùi bột gạo chín.
Miếng bánh màu ngà vừa mềm dẻo vừa dai giòn một cách tự nhiên lại có vị đậm, vị béo của nhân. Có được hương vị ấy, chắc có lẽ bởi trong mỗi chiếc bánh, người làng Chờ đã gửi trọn hồn cốt của ẩm thực làng quê Việt vào trong đó. Tuy là thức quà quê dân dã nhưng lại vô cùng đậm đà, khó quên.
Tỉ mỉ trong từng công đoạn
Chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Công Võ ở thôn Ngô Nội, xã Trung Nghĩa, huyện Yên Phong (Bắc Ninh), nơi có truyền thống lâu đời làm bánh tẻ vào những ngày cuối năm. Người người đang hối hả làm việc để cho ra những mẻ bánh để giao tới tay khách hàng.
Theo chia sẻ của ông Võ, gạo để làm bột bánh tẻ được chọn từ giống lúa dài ngày như 203 có độ dẻo dính, được xay xát kỹ, rồi đem ngâm nước khoảng 5 tiếng đồng hồ, đem cho vào xay. Gạo được cho vào cối xay với tỷ lệ nước nhất định, sao cho bột bánh càng nhỏ càng tốt.
Đặc biệt, bột càng nhỏ, bánh làm ra càng mịn, tiếp theo bột bánh sẽ được ngâm trong thời gian 1 đến 3 ngày tùy theo nhiệt độ thời tiết (nếu mùa hè có thể ngâm từ 1-2 ngày; mùa đông ngâm bột từ 2-3 ngày).
Phần nguyên liệu chuẩn bị lá gói cũng cầu kỳ không kém phần nhân, cụ thể trước khi đem gói, lá dong được rửa nhiều lần với nước sạch, để ráo và lau khô bằng khăn sạch.
Bánh cho nhân xong thì lót thêm 1 chiếc lá dong và gói lại để khi luộc bánh lá không bị rách. Chiếc bánh đẹp đòi hỏi sự khéo léo của người thợ làm bánh. Gói bánh sao cho hai đầu bánh thuôn dài, phần giữa gồ lên để chiếc bánh giống với cái răng bừa.
Theo đó, sau khi hoàn thành khâu sơ chế, bánh được gói lại, cuộn bằng dây tơ dứa và được hấp hoặc luộn 25 – 30 phút là chín.
Bánh khi luộc vừa chín tới được đem vớt ra để giáo nước, chuẩn bị mang đi đóng gói vận chuyển tới các đám cưới, hội nghị và các tỉnh thành lẫn cận.
“Hiện nay, trong làng không còn ai nhớ nghề này xuất hiện từ bao giờ mà chí biết đã có từ hàng trăm năm nay, các thế hệ cha ông đi trước vẫn hằng ngày truyền lại nghề cho các thế hệ đi sau. Dù trải qua sự thăng trầm của lịch sử, nghề làm bánh tẻ vẫn ngày càng phát triển và hội nhập để đáp ứng nhu cầu thị yếu của người tiêu dùng”- ông Võ cho biết.
Hiện nay, ở thị trấn Chờ, có gần 20 gia đình sản xuất, kinh doanh bánh tẻ, tạo việc làm cho hàng trăm lao động. Đặc biệt, nhiều nhà từ chỗ làm phạm vi gia đình đã mở rộng quy mô sản xuất, giao bán cho các khách hàng ở các tỉnh lân cận.
Chính vì sự tỉ mẩn trong từng khâu, từng loại nguyên liệu như thế mà đến nay, bánh tẻ làng Chờ vẫn giữ nguyên phong độ, tạo nên sức hút đối với du khách thập phương.
Nguồn: Theo Báo Lao Động