Kon Tum là vùng đất của những món ăn siêu lạ và độc đáo hiếm nơi có như: bún đỏ, gỏi lá, cá gỏi kiến vàng…
Bún đỏ cao nguyên
Bún đỏ cao nguyên là một trong những món ăn nổi tiếng tại Kon Tum. Khác với những món bún như bún bò, bún chả cá hay bún mắm,… bún đỏ cao nguyên đơn giản hơn từ cách chế biến đến cách thưởng thức.
Nguyên liệu chính của món bún đỏ cao nguyên chính là cua đồng, một ít chả viên cùng trứng cút luộc. Tuy là món đơn giản nhưng lại đòi hỏi sự khéo léo mới có thể làm nên một tô bún đỏ cao nguyên hấp dẫn từ màu sắc cho đến mùi vị.
Bún đỏ cao nguyên được ăn kèm với rau cần đước, với giá cùng mỡ hành, mỡ tóp, và trứng cút luộc, rất thích hợp để thưởng thức vào những buổi chiều trời se se lạnh, vừa ăn vừa xuýt xoa giữa bầu không khí se lạnh cao nguyên.
Gỏi lá
Quả đúng như tên gọi, món gỏi lá này chỉ toàn là… lá. Chỉ một món ăn mà bày kín chiếc mâm to, bởi gỏi lá có tới 40-50 loại, từ các loại rau quen thuộc như: lá cải, tía tô, đinh lăng, lá sung, lá mơ, hành, rau húng… đến các loại lá ít xuất hiện trong bữa ăn như: lá xoài, lá ổi, lá chua, lá chùm ruột, ngũ gia bì… và rất nhiều loại lá là riêng biệt của Tây Nguyên mà nhiều người chưa biết hết tên.
Giữa “mâm lá” là đĩa thức ăn ăn kèm. Thịt ba chỉ luộc, thái mỏng sao cho mỡ và thịt vừa đủ, không quá ngấy. Vài lát cá chép, tôm luộc, bì lợn. Đặc biệt có thêm đĩa tiêu nguyên hạt, muối hạt. Kỳ công nhất của món gỏi lá này là nước chấm được làm từ gạo nếp, tôm khô, thịt ba chỉ, mẻ, sa tế.
Thưởng thức món này cũng cần có kiểu cách, không vội vã cuộn hết các lá mà phải theo đúng quy trình. Trước tiên, lấy lá cải hoặc lá mơ làm lá cuốn, sau đó cho thêm lá chua và vài lá khác tùy lựa chọn của người ăn, cuốn thành cái phễu nhỏ, bỏ miếng thịt ba chỉ, tôm, bì lợn… vào trong. Nhất định phải cho thêm hạt tiêu và hạt muối, một chút nước chấm. Mỗi lần cuốn lá là những loại lá khác nhau, tạo nên những hương vị khác nhau, khi thì chua chua lá xoài, khi thì bùi bùi lá sung, chan chát lá ổi.
Cá gỏi kiến vàng
Sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc đến món cá gỏi kiến vàng – món ăn nổi tiếng của đồng bào Rơ Măm.Món có hương vị rất đậm đà, là sự kết hợp của vị ngọt và thơm của cá tươi quyện với vị chua chua của kiến vàng non và mùi thơm đặc biệt của các loại rau rừng.
Cá suối to được róc thịt, loại bỏ xương, da rồi băm nhuyễn với sả, ớt và đựng trong chiếc tô lớn. Sau đó, rung cành cây để kiến vàng từ tổ rơi vào trong tô, đàn kiến sẽ cắn thịt cá và tiết ra dịch để làm chín cá. Sau nửa tiếng, cho thêm trứng kiến đã làm sạch vào, trộn đều các nguyên liệu vắt khô nước là xong. Món này thường được dùng với các loại lá gia vị hoặc lá sung, ăn vừa ngọt vừa cay nên rất được nhiều du khách yêu thích.
Dế chiên Kon Tum
Một đặc sản mà du khách có thể tìm thấy tại nhiều quán ăn, nhà hàng chắc chắn là món dế chiên Kon Tum. Để làm món này trước hết dế sẽ được bắt, rửa sạch, để ráo nước và chiên lên. Tiếp tục thêm chút gia vị như chanh, ớt quả, sả thái nhỏ. Món dế chiên mang đến mùi thơm cực kỳ hấp dẫn, ăn vừa bùi lại đậm đà sẽ khiến nhiều thực khách không thể buông đũa. Các loại dế được sử dụng cũng rất đa dạng, dế than cho đến dế cơm, dế lửa…
Heo Măng Đen quay
Heo Măng Đen tại Kon Tum còn có tên gọi khác là heo rẫy. Đây là loại heo được nuôi bằng thực ăn tự nhiên của rừng núi và chăn thả tự nhiên nên thịt vô cùng thơm ngon và săn chắc. Con to nhất lúc trưởng thành của loài Măng Đen này chỉ nặng chưa đến 20kg.
Trước khi cho lên quay, heo được làm sạch. Sau đó người dân sẽ tẩm ướp gia vị các loại gia vị đặc trưng của núi rừng vào con heo như: củ nén, ngò gai, gốc mùi, sả, ớt… Heo Măng Tây sẽ được giữ nguyên con để quay bằng lửa than cho đến khi da vàng giòn rụm và có mùi thơm nức mũi.
Tổng hợp
Nguồn: https://vietnamnet.vn/5-dac-san-kon-tum-khong-the-bo-qua-2164895.html#:~:text=B%C3%BAn%20%C4%91%E1%BB%8F%20cao%20nguy%C3%AAn%20l%C3%A0,bi%E1%BA%BFn%20%C4%91%E1%BA%BFn%20c%C3%A1ch%20th%C6%B0%E1%BB%9Fng%20th%E1%BB%A9c.&text=Nguy%C3%AAn%20li%E1%BB%87u%20ch%C3%ADnh%20c%E1%BB%A7a%20m%C3%B3n,vi%C3%AAn%20c%C3%B9ng%20tr%E1%BB%A9ng%20c%C3%BAt%20lu%E1%BB%99c.