Hơn tuần nay, giá lúa tươi đầu vụ Hè Thu tại tỉnh Trà Vinh tiếp tục tăng thêm từ 500 – 900 đồng/kg. Hầu hết nông dân trồng lúa ở tỉnh Trà Vinh rất phấn khởi vì trúng mùa, được giá.
-
Mô hình thí điểm chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại Hợp tác xã nông nghiệp Phát Tài đang được thu hoạch . Ảnh: Thanh Hòa/TTXVN
Ông Nguyễn Thành Nam, xã Bình Phú, huyện Càng Long cho biết, gia đình vừa mới thu hoạch hơn 1,5 ha lúa Hè Thu, năng suất lúa đạt bình quân 5,24 tấn/ha. Giá lúa tươi Đài Thơm 8 được thương lái thu mua tại ruộng 8.500 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg so với tuần ngày trước đó. Với giá lúa như hiện nay, sau khi trừ các khoản chi phí sản xuất, ông Nam có lợi nhuận gần 3.600 đồng/kg.
Vụ lúa Hè Thu năm nay, nông dân trồng lúa đều có lợi nhuận cao nhờ giá phân bón từ đầu vụ ổn định, có thời điểm giảm xuống 2.000 – 5.000 đồng/kg. Cụ thể, phân DAP ổn định ở mức 980.000 đồng/bao (50 kg), phân NPK 16 – 16 – 8 ở mức 620.000 – 650.000 đồng/kg, phân đạm Cà Mau ở mức 535.000 đồng/bao. Vụ Hè Thu này, theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, nông dân sử dụng các giống lúa chất lượng cao, đạt chuẩn xuất khẩu như: OM 5451, OM 4.900, Đài Thơm 8, ST 25 cho năng suất cao, được thương lái ưa chuộng thu mua.
Hiện tại, ở các vùng nước ngọt của huyện Càng Long, Cầu Kè, nông dân đã thu hoạch gần 4.000 ha lúa Hè Thu sớm, năng suất đạt hơn 5,2 tấn/ha. Tổng diện tích lúa Hè Thu còn lại khoảng 63.000 ha; trong đó có hơn 24.500 ha đã chín sắp thu hoạch và hơn 39.000 ha đang giai đoạn trỗ và cúi bông.
Mỗi năm Trà Vinh có kế hoạch trồng 200.000 ha lúa với tổng sản lượng bình quân khoảng 1,2 triệu tấn. Tỉnh chủ trương không tăng diện tích trồng lúa nhưng tăng năng suất và chuỗi giá trị hạt gạo. Vì vậy, ngoài khuyến cáo nông dân sử dụng giống lúa mới, ngành nông nghiệp còn hỗ trợ nông dân trồng lúa thông minh thích ứng biến đổi khí hậu.
Cùng đó, ngành khuyến khích nông dân mạnh dạn đưa cơ giới hóa vào sản xuất, sử dụng máy sạ cụm để giảm 50% lượng giống so sạ hàng. Canh tác lúa sử dụng phân bón thông minh, kết hợp với phương pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) để đem lại năng suất cao hơn từ 20 – 25%, tăng thêm lợi nhuận cho người trồng.