Lá bạc hà trị ho có tốt không? Nên làm gì khi bị ho?

0
3

1. Một số đặc điểm về lá bạc hà

Cây bạc hà được biết đến với rất nhiều tên gọi khác nhau như cây húng bạc hà hay cây húng cay. Thân cây thẳng và xốp, chiều dài của cây có thể đạt 60cm. Cây bạc hạ có thể bò lan trên mặt đất. Lá cây bạc hà thường mọc đơn, có hình bầu dục, phần mép lá có răng cưa. Lá có mùi hắc, có vị cay nhẹ.

Nhiều người cho rằng lá bạc hà có thể trị ho hiệu quả

Nhiều người cho rằng lá bạc hà có thể trị ho hiệu quả

Cây bạc hà thường ra hoa vào tháng 7 đến tháng 10. Kích thước hoa nhỏ và màu sắc hoa ở mỗi cây có thể khác nhau, chẳng hạn như màu trắng, tím và hồng. Cây bạc hà rất phổ biến ở những quốc gia có khí hậu ôn đới. Ở Việt Nam, loại cây này thường được trồng nhiều ở Yên Bái, Nghệ An,…

Cây bạc hà cung cấp một số chất chống oxy hóa như flavonoid, axit rosmarinic, cùng với một lượng nhỏ vitamin A, vitamin C, vitamin nhóm B, sắt, photpho và chất xơ. Đây là loại cây có chứa nhiều tinh dầu.

Trên thực tế, nhiều người nhầm lẫn lá bạc hà với lá húng lủi. Lá húng lủi thường được dùng nhiều để trang trí đồ uống trong các quán cà phê và nhiều người tưởng rằng đó là lá bạc hà. Lá húng lủi có màu xanh đậm, trên lá được bao phủ một lớp lông và có hình dáng cũng gần giống với lá bạc hà. Loại lá này cũng rất thơm mát và đẹp mắt. Tuy nhiên, lá bạc hà thường có mùi thơm mạnh và the mát hơn hơn húng lủi.

2. Dùng lá bạc hà trị ho có tốt không?

Là bạc hà có chứa tinh dầu Menthol có khả năng kháng khuẩn hiệu quả. Ngoài ra, loại lá cây này còn có chứa nhiều vitamin có thể giúp cơ thể được tăng cường hệ miễn dịch. Bên cạnh đó, loại cây này còn có tính mát và vị cay có thể hỗ trợ làm thông đường thở. Mặt khác, hương thơm của bạc hà có thể giúp cho người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn. Đó là những lý do khiến nhiều người dùng lá bạc hà trị ho.

Bạn nên thận trọng khi sử dụng lá bạc hà

Bạn nên thận trọng khi sử dụng lá bạc hà

Tuy nhiên, những bài thuốc trị ho này đều chưa được khoa học chứng minh về mức độ hiệu quả và độ an toàn. Nếu áp dụng không đúng liều lượng hay dùng thuốc sai cách, người bệnh có thể gặp phải những tác dụng phụ không mong muốn, chẳng hạn như nổi phát ban trên da, ợ nóng, chóng mặt, đau bụng, buồn nôn, ngộ độc do dùng quá liều

Những trường hợp không nên dùng lá bạc hà bao gồm trẻ em dưới 2 tuổi, bà bầu, người bị trào ngược dạ dày thực quản, người có bệnh lý về gan, túi mật, người bị dị ứng với bạc hà hoặc tinh dầu bạc hà,…

Không nên thoa tinh dầu bạc hà lên vùng da đang bị lở loét và tránh để tinh dầu dính vào mắt. Bạn không nên lạm dụng việc hít hay thoa tinh dầu bạc hà để tránh nguy cơ bị khô niêm mạc đường thở.

Không những vậy, lá bạc hà còn có thể tương tác với một số loại thảo dược, các loại thuốc điều trị hay một số loại vitamin,… Do đó, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ nếu muốn áp dụng phương pháp dùng lá bạc hà trị ho để tránh những biến chứng không mong muốn.

3. Phải làm sao khi bị ho?

Ho là một phản xạ bảo vệ cơ thể của hệ thống các cơ quan hô hấp. Do đó, trong nhiều trường hợp, ho là một phản xạ hữu ích của cơ thể và bạn không cần quá lo lắng. Những trường hợp ho dưới 3 ngày và không kèm theo sốt hay đau tức ngực, không có biểu hiện khó thở, không ho ra đờm hay ho ra máu,… người bệnh có thể không cần dùng thuốc.

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, ho có thể là biểu hiện cảnh báo bệnh lý nghiêm trọng. Vấn đề này khá thường gặp ở người cao tuổi và trẻ nhỏ. Bạn không nên chủ quan nếu ho kéo dài, ho kèm theo sốt hay tình trạng khó thở,…

Trong trường hợp ho trên 5 ngày, bạn cần đi khám sớm. Nếu ho kéo dài trên 3 tuần, đã dùng thuốc nhưng không giảm triệu chứng, trong cơn ho có kèm theo sốt và đờm xanh, ho ra máu, có biểu hiện đau ngực và hơi thở nông,… người bệnh không thể coi thường vì đây có thể là triệu chứng của nhiều bệnh lý nguy hiểm. Dưới đây là một số lưu ý cụ thể:

– Súc miệng bằng nước muối sinh lý hoặc nước muối tự pha: Phương pháp này có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn, làm sạch đờm và làm dịu cổ họng.

– Người bị ho nên uống nhiều nước và ưu tiên nước ấm.

– Kê gối cao khi ngủ cũng có thể giúp chống chảy dịch mũi hay giảm trào ngược axit giúp bạn giảm ho.

– Không nên sinh hoạt ở môi trường có khí hậu khô và lạnh, đặc biệt không nên lạm dụng điều hòa.

– Người bệnh cũng cần hạn chế tiếp xúc với những yếu tố có thể gây kích thích như khói thuốc lá, khói than, môi trường có nhiều bụi bẩn, phấn hoa, mùi khí lạ hay lông động vật,…

– Không nên ăn nhiều đồ lạnh để tránh gây kích thích vòm họng.

– Nếu trời lạnh, bệnh nhân cần chú ý giữ ấm vùng ngực và cổ.

– Người bệnh cũng nên ăn nhiều trái cây để tăng cường hệ miễn dịch.

– Những người bệnh đang mắc phải một số bệnh lý mạn tính như hen phế quản, hen suyễn, suy tim sung huyết, viêm phổi, viêm amidan,… cần phải điều trị bệnh tích cực và dứt điểm để hạn chế gặp phải biến chứng nghiêm trọng.

Để hạn chế nguy cơ bị ho, nhất là vào những ngày lạnh, bạn cần ăn uống đủ chất, vệ sinh răng miệng đúng cách, tập luyện mỗi ngày, rèn luyện để cơ thể thích nghi với khí hậu và môi trường sống. Đây là những phương pháp bảo vệ sức khỏe thiết thực và lâu dài.

Nguồn: https://medlatec.vn/tin-tuc/la-bac-ha-tri-ho-co-tot-khong-nen-lam-gi-khi-bi-ho

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây