Bánh chưng Nhật Lệ

0
117

Giới thiệu

Đến xứ Huế, bạn nên ghé qua con đường Nhật Lệ trong Thành Nội. Nơi đây hàng ngày có hàng chục lò làm bánh vẫn sản xuất gói và nấu bánh chưng đặc trưng và nổi tiếng nhất của mảnh đất cố kinh này. Trong số đó thương hiệu “Mệ tóc bạc” là nổi tiếng nhất.

Nét đặc sắc

Bánh chưng Huế được gói hoàn toàn bằng tay (không dùng khuôn gỗ như nhiều nơi ở miền Bắc) nên cần một sự khéo léo của người gói bánh. Bánh không to, chỉ gói gọn trong bàn tay vì đối với người Huế ẩm thực là một sự tinh tế, vừa đủ, cái gì cũng nhỏ nhỏ vừa miệng ăn.

Bánh chưng Nhật Lệ xứ Huế nổi tiếng thơm ngon chính vì những người thợ làm nghề luôn đảm bảo các khâu trong quá trình chế biến. Gạo nếp phải là thứ gạo nếp thơm dẻo, có hạt mẩy tròn, trắng tinh; Đậu làm nhân phải là đậu xanh nguyên lõi, được đãi sạch và nấu chín, sau đó nắm tròn thành từng chiếc nhỏ cho từng cái bánh; Nhân thịt lợn phải nửa nạc, nửa mỡ luộc, thái dày, trộn hạt tiêu đặt mua tỉnh Gia Lai và hành tím cũng lấy từ miền Nam; Lá chuối hay lá dong để gói cũng đặt mua, tuyển chọn thành xếp cẩn thận.

Ngoài chuẩn bị nguyên liệu, khâu luộc bánh cũng phải kỹ từ sắp bánh vào thùng, giữ đúng thời gian bánh chín từ 10-12 giờ liền và không cho bất kỳ loại hóa chất nào. Một bí quyết làm cho bánh chưng Nhật Lệ thơm ngon và có thể bảo quản được lâu, khó bị ôi thiu là vì các lò bánh chưng Nhật Lệ gốc đãi gạo nếp rất kỹ, sau đó để ráo hết nước mới gói bánh.

Bánh chưng Nhật Lệ xứ Huế thơm dẻo, ăn rất khoái khẩu do sự kết hợp nhuần nhuyễn mùi vị giữa nhân đậu, thịt (mỡ và nạc) với gạo nếp và các loại gia vị như tiêu, hành. Bóc lớp lá chuối ra, màu bánh xanh thơm nhức mắt. Cắn một miếng, nhân đậu thịt mỡ màu nâu trắng béo bùi ngập chân răng. Ăn bánh chưng Nhật Lệ khi nguội ngon hơn khi nóng. Người ăn quen lâu ngày thành nghiện, thành thèm.

Du khách đến Huế ai cũng nên tìm ăn bánh chưng Nhật Lệ, để thấm cái hương vị đặc trưng của Lang Liêu ngàn đời “danh bất hư truyền”… đặc biệt hơn khi được thưởng thức trong những ngày thường.

Giá cả

Bánh chưng Nhật Lệ hiện nay có giá 10.000 đồng/cặp. Tùy vào kích cỡ to nhỏ của bánh mà có giá dao động lên 20.000 – 30.000 đồng/cặp. Cũng tùy vào nhu cầu của người sử dụng, có thể đặt bánh chay hoặc bánh mặn.

Nếu không mua được trực tiếp từ phố Nhật Lệ, mọi người cũng có thể mua được bánh chưng Huế từ các ngôi chợ của Huế như Đông Ba, An Cựu, Bến Ngự…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây