Cách làm chân gà ngâm sả tắc tuyệt ngon, không nhớt không đắng
Mục lục
Món chân gà ngâm sả tắc
Video
Nguyên liệu
- Chân gà: 20 cái
- Sả: 10 nhánh
- Gừng: 1 củ to
- Ớt tươi
- Tắc (quất): 5,6 quả
- 2 củ tỏi
- Muối hạt
- Rượu trắng
- Lá chanh
- Nước mắm ngon
- Dấm gạo: 5,6 muỗng
- Đường trắng: 6 muỗng
- Hạt tiêu đen: 1 thìa
Sơ chế nguyên liệu
Sơ chế chân gà:
Chân gà sau khi mua về, dùng dao cắt bỏ hết phần móng, lột phần da ngoài còn sót lại. Sau khi sơ chế chân gà thì đem đi rửa lại trong chậu nước có hòa muối hạt. Sau đó tiếp tục rửa lại nhiều lần với nước để chân gà được sạch sẽ. Chân gà có thể được chặt đôi hoặc giữ nguyên tùy ý của người chế biến.
Rửa sạch và xắt nhỏ các nguyên liệu để ngâm cùng chân gà
Sả bóc bỏ phần bẹ già bên ngoài, rửa sạch, cắt làm đôi. Phần thân dưới đập dập, băm nhỏ. Phần thân trên ngọn thì dùng dao bổ dọc, xé thành sợi.
Ớt tươi rửa sạch. 2/3 số ớt thái lát, số còn lại để nguyên cả quả để tăng tính thẩm mỹ cho món ăn.
Tắc (quất) mua về ngâm qua nước muối loãng, rửa sạch, để ráo nước. Xắt quả tắc thành từng lát tròn, tuy nhiên chú ý không nên thái miếng tắc quá mỏng vì khi ngâm, miếng tắc dễ bị nát.
Tỏi khô bóc vỏ, có thể đập dập hoặc để nguyên tép hay thái lát
Gừng nạo vỏ, rửa sạch, thái lát mỏng.
Lá chanh rửa sạch, xắt nhỏ để ráo.
Luộc chân gà
Chân gà luộc với sả, gừng… để thơm hơn
Chân gà sau khi sơ chế sạch sẽ thì cho vào nồi đem đi luộc qua. Đun sôi nước với ít lát gừng, 1 chút muối hạt, 1 thìa rượu trắng và vài ba nhánh sả vào luộc cùng để khử mùi hôi của chân gà.
Đặc biệt, ngoài sả gừng muối, ở bước luộc chân gà này, một số đầu bếp chuyên nghiệp còn cho 1 thìa nhỏ bột nghệ để giúp cho chân gà có màu sắc đẹp hơn. Hơn nữa, nghệ và gừng sẽ loại bỏ mùi hôi của chân gà, giúp chân gà được thơm ngon hơn.
Một số lưu ý khi luộc chân gà:
Khi nước sôi, thả chân gà vào luộc và không nên đậy vung.
Chân gà phải ngập trong nước để chân gà chín đều, không bị khô và không đều màu. Dùng muôi hớt bỏ lớp bọt để nước luộc được trong.
Luộc chân gà trong vòng khoảng 2-3 phút là được. Không nên luộc quá lâu, chân gà chín quá sẽ bị nứt lớp da ngoài, để lộ phần xương bên trong sẽ mất đi tính thẩm mỹ của món ăn.
Chân gà sau khi luộc xong nên ngâm ngay vào chậu nước đá để chân gà được trắng giòn. Nhớ kỳ sạch váng mỡ rồi rửa lại chân gà để khi ngâm không bị váng
Thêm 1 bước vô cùng quan trọng để giúp cho món chân gà ngâm sả ớt được giòn, chân gà có màu trắng hồng bóng đẹp mà các bà nội trợ cần lưu ý. Đó là chân gà sau khi luộc xong thì vớt ra cho ngay vào một tô nước lọc đun sôi để nguội có hòa sẵn chút muối hạt và cho đá lạnh. Muối hạt sẽ giúp chân gà có màu trong đẹp và đá lạnh chính là tuyệt chiêu tạo nên độ giòn của chân gà.
Dùng tay kỳ rửa lại những cặn bẩn còn dính vào các kẽ của chân gà, sau đó rửa lại bằng nước đun sôi đã nguội. Chân gà đã luộc sạch sẽ cho ra một chiếc rổ để ráo nước.
Sau đó cho vào túi bọc thực phẩm, để ở ngăn mát tủ lạnh để chân gà se lại, tăng thêm độ giòn.
Chế biến nước mắm sả, tắc, ớt
Trong lúc chờ đợi chân gà se lại trong tủ lạnh, chúng ta có thể tiến hành chế biến nước mắm sả ớt để ngâm chân gà.
Ngoài bước luộc chân gà sao cho giòn, trắng thì bước chế nước mắm ngâm cũng vô cùng quan trọng. Thực tế thì hương vị của nước mắm ngâm này sẽ quyết định chất lượng, độ ngon của món chân gà ngâm sả ớt. Bên cạnh đó, ở bước pha chế nước mắm ngâm này, nếu không cẩn thận sẽ xảy ra tình trạng món chân gà ngâm sả ớt hương vị không chuẩn, bị nhớt, nước ngâm úa màu và rất nhanh hỏng.
Đầu tiên, cần đun sôi khoảng 1 lít nước. Nước sôi thì cho khoảng 6 thìa đường, 6 thìa nước mắm ngon và khoảng 5 muỗng dấm gạo, 1 muỗng muối vào quấy đều để các gia vị hòa tan. Dùng muôi để hớt bỏ lớp bọt để nước ngâm chân gà được sạch trong. Hỗn hợp nước mắm ngâm này sôi khoảng 1 phút thì tắt bếp để nguội.
Ở bước nấu nước mắm ngâm này, có nhiều người chỉ đun sôi nước với đường rồi sau đó mới pha nước mắm và dấm gạo vào. Tuy nhiên, đun sôi nước mắm và dấm sẽ khử bớt đi độ gắt và mùi của 2 gia vị này, giúp cho món chân gà ngâm sả ớt thơm và dịu hơn rất nhiều.
Sả, tắc, ớt, tỏi cho vào sau khi đun sôi nước mắm, đường, dấm gạo
Sau khi đun sôi nước mắm đường, dấm thì cho sả, ớt, tắc vào quấy đều, để nguội.
Làm nước sốt chấm chân gà
Thường thì khi thưởng thức chân gà ngâm sả tắc, người ta đã có thể cảm nhận được vị ngon của nó. Tuy nhiên, nếu như chấm kèm với loại nước sốt đặc biệt được chế biến riêng cho món ăn này, bạn sẽ cảm thấy vị ngon của nó được tăng lên gấp bội.
Nước sốt chấm đậm đà giúp món chân gà ngâm sả ớt thêm bội phần hấp dẫn
Cách làm nước sốt chấm chân gà sả tắc khá đơn giản, với các nguyên liệu dễ tìm. Tắc (quất) rửa sạch, ráo nước thì vắt khoảng 4-5 quả vào 1 cái bát, nhớ bỏ hạt khỏi đắng. Vỏ quất xắt nhỏ cho vào bát cùng với ớt tỏi đã băm nhỏ. Tiếp đó cho 2 thìa đường, 1/2 thìa hạt tiêu, 4 thìa bột canh, 1 thìa sữa đặc vào và quấy đều.
Yêu cầu thành phẩm
Chân gà ngâm sả tắc đạt chuẩn cần đảm bảo được những yếu tố sau:
Hình thức, màu sắc:
Chân gà ngâm sả tắc sau khi hoàn thành có màu trắng hồng tươi tắn, nước ngâm có màu nâu trong và bóng. Các nguyên liệu ngâm cùng như tắc, sả, ớt… vẫn giữ được nguyên màu, xen lẫn vào nhau trông vô cùng đẹp mắt.
Chân gà ngâm sả tắc đúng chuẩn có màu sắc vô cùng tươi tắn và bắt mắt
Hương vị:
Chân gà ngâm sả tắc sau khi hoàn thành có mùi thơm đặc trưng của nước mắm quyện với sả, thanh mát của tắc, chút cay nồng ấm áp của gừng, tỏi, hạt tiêu và ớt. Chân gà không chỉ trắng bóng đẹp mắt mà khi ăn còn giòn sần sật, vị cực kỳ đậm đà. Đặc biệt, nhờ vị thanh chua của dấm, tắc mà món chân gà ngâm sả tắc này khi ăn không hề khiến cho người ta có cảm giác bị ngấy.
Mẹo & lưu ý (Footnotes)
Ngâm chân gà sả ớt trong lọ (hũ) thủy tinh sẽ giúp cho món chân gà ngon, trong, giữ được lâu và đẹp mắt hơn so với ngâm trong hộp nhựa. Diện tích lọ để ngâm chân gà sả ớt cũng cần phải để ý, không nên quá bé và cũng không nên quá to. Chọn những lọ thủy tinh phù hợp sao cho xếp chân gà được vừa vặn nhất. Trước khi xếp chân gà và các nguyên liệu vào, cần rửa sạch lọ ngâm, tráng qua nước sôi nóng và lau thật khô. Bước này sẽ giúp bảo quản món chân gà ngâm sả tắc được cẩn thận hơn.
Khi xếp chân gà và các nguyên liệu như sả, ớt, tỏi… thì cần xếp xen kẽ để các nguyên liệu được ngấm đều vào chân gà. Không nên xếp tất cả các nguyên liệu ngâm cùng chân gà dồn lên trên cùng.
Phải đợi nước mắm ngâm thật nguội mới đổ vào lọ ngâm chân gà. Nếu đổ nước mắm ngâm còn nóng vào lọ thì món chân gà ngâm sả tắc sẽ bị nổi váng, nhớt và nhanh hỏng.
Chân gà và các nguyên liệu khác phải ngập trong nước mắm ngâm thì mới thấm đều gia vị, ngon và không bị khô cũng như úa màu.
Để loại bỏ tình trạng món chân gà ngâm sả tắc bị đắng, khi thái lát quả quất (tắc) cần loại bỏ lát ở đầu và cuối quả. Lưu ý thêm là không cho tắc (quất) vào bước nấu nước mắm ngâm. Nếu cho tắc vào đun sôi cùng mắm, đường sẽ khiến cho nước mắm ngâm bị đắng, lát tắc sẽ bị nhũn, nát.
Có một số người cho luôn lá chanh vào lọ ngâm chân gà sả tắc mà không hề biết lá chanh sẽ khiến cho món ăn vặt cực hấp dẫn này bị đắng. Lá chanh chỉ cho vào khi chân gà ngâm sả ớt đã hoàn thành và tăng vị bùi thơm cho món ăn.
Cách bảo quản
Để hũ chân gà ngâm sả tắc chỗ thoáng mát, đậy kín nắp sẽ dùng được khá lâu
Khác với nhiều món ăn ngon chế biến từ chân gà như: chân gà rang muối, chân gà hấp sả, chân gà nướng… món chân gà ngâm sả tắc có thời gian sử dụng lâu hơn nếu bảo quản tốt.
Chân gà ngâm sả tắc để trong ngăn mát tủ lạnh có thể dùng được đến 4-5 ngày mà vẫn giữ được vị ngon. Lưu ý, khi lấy chân gà ngâm sả tắc, dụng cụ gắp chân gà như đũa, thìa, muôi… cần được để khô và sạch sẽ. Bởi nếu như dính chút nước lạnh hay dầu mỡ thì món chân gà ngâm sả tắc sẽ bị nổi váng và nhanh hỏng.
https://thucthan.com/cach-lam-chan-ga-ngam-sa-tac