Ăn trái cây hàng ngày thế nào cho đúng để đủ chất dinh dưỡng?

0
356
an-trai-cay-hang-ngay-the-nao-cho-dung-de-du-chat-dinh-duong-3
Ảnh: thatlangon.com

Trái cây là loại thực phẩm được các nhà khoa học khuyến cáo nên dùng hằng ngày nhằm cung cấp các loại vitamin, dưỡng chất tốt cho cơ thể, là một phần quan trọng trong chế độ ăn uống lành mạnh của mọi người. Tuy nhiên, để thu được hiệu quả cũng như lợi ích cao nhất, chúng ta cần phải biết cách dùng trái cây sao cho hợp lý và đúng cách.

Ăn trái cây vào thời điểm nào là tốt nhất?

an-trai-cay-hang-ngay-the-nao-cho-dung-de-du-chat-dinh-duong-1
Ảnh: cafef.vn

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nên ăn trái cây vào lúc bụng còn đang đói và các bữa chính 1 – 2  tiếng. Khi đó, lượng vitamin và dưỡng chất trong trái cây sẽ được hấp thu tốt nhất. Tuy nhiên một số loại trái cây như chuối, cà chua, vải, trái cây chua,…không nên ăn lúc quá đói vì chúng sẽ gây phản ứng với acid dạ dày gây nên chướng bụng, khó tiêu. Các nhà khoa học Mỹ đã nghiên cứu và đưa ra kết luận rằng ăn trái cây trước bữa ăn chính 1 giờ sẽ có tác dụng giảm béo và giúp tiêu hóa hiệu quả hơn. Một điều đáng lưu ý là thói quen ăn trái cây ngay sau bữa ăn chính của số đông mọi người. Trong trái cây có chứ nhiều loại đường đơn và được hấp thu nhanh chóng vào cơ thể. Nếu ăn cơm no rồi ăn thêm trái cây ngọt thì lượng đường tổng cộng trong bữa ăn sẽ tăng lên đáng kể. Lúc đó, đường huyết tăng cao một cách nhanh chóng sẽ không có lợi cho sức khỏe của bạn, nhất là người mắc bệnh đái tháo đường. Bên cạnh đó, trong trái cây có nhiều loại carbohydrat gây chậm quá trình tiêu hóa, gây sự tích trệ và tăng gánh cho dạ dày lẫn đường ruột. Ngoài ra, trong trái cây có nhiều acid tanid làm gỉam hấp thu protein, làm calci đóng kết thành những chất khó tiêu gây giảm sự hấp thu cho cơ thể.

Bạn có thể chia trái cây ra thành nhiều bữa phụ và ăn vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Các nhà khoa học đưa ra lời khuyên rằng ăn trái cây sẽ phát huy lợi ích tốt nhất vào buổi sáng sau khi uống một cốc nước khi thức dậy. Trong trái cây có một lượng đường fructose đáng kể, nếu ăn quá nhiều vào buổi tối có thể làm bạn tăng cân do lượng đường dư sẽ chuyển hóa và tích trữ thành mỡ thừa.

Ăn trái cây bao nhiêu là đủ?

an-trai-cay-hang-ngay-the-nao-cho-dung-de-du-chat-dinh-duong-2
Ảnh: genvita.vn

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên bạn nên ăn tối thiểu 300g trái cây mỗi ngày với ít nhất 2 loại trái cây khác nhau. Với những người khỏe mạnh, việc ăn trái cây càng nhiều càng có lợi cho khỏe nhưng với những người nằm trong nhóm béo phì, đái tháo đường hay cholesterol trong máu cao,…thì nên hạn chế bớt một phần, thay vào đó là rau xanh.

Một chế độ ăn nhiều trái cây ngọt có thể dẫn đến những vấn đề liên quan đến hoạt động của tuyến tụy và hormon chuyển hóa đường trong máu. Nếu sự mất cân bằng của các hormon này không được phát hiện và điều trị kịp thời thì có thể dẫn đến các bệnh lý tim mạch và đái tháo đường. Ăn nhiều trái cây chứa hàm lượng đường nhiều còn làm cơ thể bạn phải đối mặt với sâu răng, tình trạng loãng xương, thừa cân, mệt mỏi và nhiều khó chịu khác.

Nên dùng cả quả hay chỉ uống nước ép trái cây?

an-trai-cay-hang-ngay-the-nao-cho-dung-de-du-chat-dinh-duong-3
Ảnh: thatlangon.com

Hội đồng nghiên cứu y khoa về dinh dưỡng con người tại Đại học Cambrige-Anh đã đưa ra kết luận rằng nhiều chất dinh dưỡng quý sẽ bị biến chất và mất đi khi chúng ta chỉ uống nước ép trái cây mà bỏ qua phần xác. Lượng đường cao và đậm đặc trong nước ép trái cây được hấp thu nhanh vào cơ thể sẽ làm tăng nguy cơ béo phì cũng như các vấn đề sức khỏe không tốt cho cơ thể. Ăn trái cây cả quả sẽ cung cấp một lượng lớn chất xơ giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn, tạo môi trường thuận lợi cho các vi sinh vật có lợi phát triển, loại bỏ những  cholesterol thừa trong ống tiêu hóa, tham gia điều hòa đường huyết,…

Xử lý và bảo quản trái cây:

an-trai-cay-hang-ngay-the-nao-cho-dung-de-du-chat-dinh-duong-4
Ảnh: genvita.vn

Với những loại trái cây có vỏ dày, bạn chỉ cần rửa sạch, ngâm trong nước muối pha loãng, sau đó gọt bỏ phần vỏ. Đối với các loại trái cây có vỏ mỏng như mận, nho, dâu tây,…bạn cần ngâm với nước muối loãng từ 5 – 10 phút hoặc với nước rửa rau quả để đảm bảo an toàn. Trái cây lưu trong tủ lạnh phải được để khô ráo và thông thoáng, không để chung các loại thực phẩm khác. Trái cây không nên gọt vỏ hay cắt miếng sẵn để trong tủ lạnh ăn dần. Các loại vitamin bổ dưỡng, acid folic trong trái cây có thể bị biến mất dần dưới tác dụng của ánh sáng, không khí và nhiệt độ. Quá trình mất chất này ngày càng tăng nhanh hơn nếu vỏ ngoài của chúng bị phá vỡ hoặc bề mặt tiếp xúc với không khí của trái cây tăng lên khi bị cắt nhỏ. Nếu trái cây đã gọt vỏ, bạn nên ngâm trong nước muối nhạt 1 % trước khi dùng để hạn chế sự biến chất này.

Nếu biết dùng đúng cách, trái cây sẽ trở thành loại thực phẩm vàng cho sức khỏe, giúp bạn có một chế độ ăn hoàn hảo và có một cuộc sống khỏe mạnh hơn, tươi vui hơn.

B.S Đỗ Hồng Phương Minh ( theo T/c Thuốc & Sức khoẻ )

Trích nguồn: Báo Phụ Nữ Quân Đội số 108/2020

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây