Miền Tây có biết bao đặc sản thơm ngon làm say lòng lữ khách. Đặc biệt là món cháo lòng Cái Tắc tuy dân dã, bình dị nhưng ăn một lần là nhớ mãi không quên.
Cháo lòng Cái Tắc – đặc sản nức tiếng xứ Hậu Giang
Cháo lòng là món ăn bình dân, quen thuộc với nhiều người, với mọi miền đất nước. Ở Sài Gòn, Hà Nội hay các thành phố lớn, đâu đâu cũng có bán cháo lòng. Thế nhưng ít ai biết rằng món ăn này cũng là đặc sản nổi tiếng của vùng đất Hậu Giang.
Sở dĩ, món ăn này được gọi cháo lòng Cái Tắc vì được bán nhiều ở thị trấn Cái Tắc, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang. Không ai biết món cháo lòng xuất hiện chính xác từ khi nào. Tuy nhiên khoảng 30 năm về trước, ở vùng này đã có món cháo thơm ngon đượm vị.
Người dân trong vùng nhắc lại, thời bao cấp, những sạp bán cháo lòng đầu tiên tập trung trong chợ, nổi tiếng nhất là quán bà Sơn, bà Giang. Ngày nay, món cháo lòng nức tiếng này không chỉ có ở Cái Tắc, Hậu Giang, mà còn lan rộng ra khắp các tỉnh thành lân cận, gần nhất là thành phố Cần Thơ.
Người dân Hậu Giang, Cần Thơ chia sẻ, khoảng 20 năm trước, muốn ăn một tô cháo lòng ngon phải lặn lội đường xa để đến chợ Cái Tắc. Nhưng ngày nay, chỉ cần về đến trung tâm Cần Thơ hoặc đi trên một tuyến đường lớn nào của Hậu Giang, là bạn đã có thể thưởng thức món cháo thơm ngon rồi.
Cháo lòng ở Cái Tắc có gì đặc biệt?
Thoạt nhìn qua, tô cháo lòng Cái Tắc không khác gì mấy so với món cháo ở mọi miền tổ quốc. Cháo cũng được nấu từ gạo, ăn kèm với lòng và ít giá, rau sống. Tuy nhiên, có đến Cái Tắc, có trực tiếp thưởng thức tô cháo chính gốc của người dân nơi đây và lắng nghe lời kể của người dân địa phương, bạn mới vỡ òa “thì ra món cháo đặc sản Hậu Giang này khá đặc biệt”.
Theo chia sẻ của những người nấu cháo lòng nhiều năm kinh nghiệm tại Cái Tắc, khác biệt đầu tiên làm nên hương vị đặc trưng của món ăn này chính là khâu chọn gạo. Gạo dùng nấu cháo phải là loại gạo cũ, loại gạo khô cơm để nấu. Vì loại gạo này không tạo ra nhựa như các loại gạo mới. Ngoài ra, gạo dùng nấu cháo cũng không được rang vì sẽ làm mất hương thơm tự nhiên khi cháo chín.
Với lòng heo dùng nấu cháo, người thợ cũng lựa chọn cẩn thận, tỉ mỉ. Thông thường, người thợ nấu kinh nghiệm nhất sẽ đến trực tiếp lò giết mổ hoặc các cửa hàng bán thịt heo để chọn những lòng heo mới nhất, tươi, ngon nhất về nấu. Đặc biệt, món cháo lòng Cái Tắc chính hiệu phải có đầy đủ các bộ phận lòng heo bao gồm tim, gan, phèo non, phổi, cật, lá lách, huyết…
Phần lòng heo mang về sau khi được làm sạch sẽ cho vào nồi nấu ngay. Người Cái Tắc chia sẻ, lòng heo muốn ngon phải nấu liền để giữ độ tươi ngon. Và những hàng quán cháo lòng ngon nhất ở đây luôn dùng lòng mới, không dùng các loại lòng cũ đã qua trữ lạnh hay có tẩm ướp chất bảo quản.
Sự khác biệt của món đặc sản Hậu Giang này còn do cách nêm nếm của người thợ. Tô cháo thường có vị ngọt thanh của nước từ lòng heo, vị thơm bùi của gạo cũ và vị ngon đặc trưng của từng bộ phận lòng heo.
Thông thường, cháo lòng Cái Tắc thường được nấu khá lỏng, không đặc sền sệt như cháo ở Sài Gòn hay các vùng khác. Cháo có màu nâu nhạt do màu của lòng và huyết heo. Ngoài ra, khi ăn tại quán, cháo lúc nào cũng nóng hôi hổi, khói bay nghi ngút, hương thơm ngào ngạt, kích thích bao lữ khách đường xa.
Những đầu bếp lâu năm nhất Cái Tắc cho biết, muốn nồi cháo lòng ngon thì lúc cháo sôi mới bắt đầu cho huyết, thịt, tim, gan, phèo, phổi,… vào trong nồi. Lượng lòng heo càng nhiều thì nước cháo càng ngọt đậm đà.
Đợi đến khi nồi cháo bắt đầu nhừ, người đầu bếp sẽ vớt lòng heo ra để trên mâm, chỉ chừa lại huyết trong nồi. Có một điều đặc biệt là người nấu cháo hay dùng vá (muôi) để quậy cho cháo không dính nồi nên lượng huyết này cũng tan ra. Huyết hòa thành từng miếng nhỏ vào cháo, vì thế mà cháo lòng Cái Tắc lúc nào cũng có màu nâu nhạt đặc trưng.
Nguồn: https://dulichvietnam.com.vn/chao-long-cai-tac-dac-san-hau-giang-mon-an-dan-da-ma-biet-bao-lu-khach-say-me.html