Hai quan chức nông nghiệp Mỹ, một người xuất thân từ gia đình nông dân, ngạc nhiên trước vị ngon ngọt của bưởi Diễn và nghe về cách canh tác giữa bóng mát vườn bưởi ở Hà Nội ngày 28-2.
Chưa đến mùa bưởi chín, nhưng vườn bưởi hơn 300 gốc của ông Nguyễn Như Hảo và ông Nguyễn Trọng Nhân ở huyện Hoài Đức (TP Hà Nội) sáng 28-2 đã đông vui như ngày thu hoạch.
Hai chiếc bàn nhỏ bày những trái bưởi Diễn và bưởi da xanh cùng hơn chục chiếc ghế đã được xếp quanh để chuẩn bị tiếp đón hai vị khách phương xa đặc biệt.
Canh tác hữu cơ
Họ là hai thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Mỹ, bà Jennifer Moffitt và bà Alexis Taylor – những người sẽ góp phần quan trọng vào việc đưa bưởi Việt Nam vượt biển đến Mỹ.
Tiếng nói cười làm rộn rã cả một góc vườn xum xuê, hòa cùng hương thơm của những chùm hoa bưởi trắng muốt xen lẫn tiếng xuýt xoa của những vị khách nước ngoài khi nếm thử những múi bưởi Diễn.
Chia sẻ với hai quan chức Mỹ về quá trình canh tác hoàn toàn hữu cơ tại vườn, ông Hảo cho biết bưởi ngon phần lớn nhờ thổ nhưỡng nhưng cách trồng và chăm sóc cũng góp phần quan trọng làm nên vị ngon của trái.
Người nông dân cũng bày tỏ mong muốn nhận được thêm sự hỗ trợ kỹ thuật từ Mỹ để không chỉ bưởi Diễn mà những loại nông sản khác cũng có mặt tại Mỹ.
“Tôi rất vui khi được có mặt tại vườn bưởi đặc sản hôm nay. Gia đình tôi cũng từng làm nông, cũng có vườn cây nên tôi hiểu rất rõ sự tự hào của người nông dân đối với loại sản phẩm họ làm ra”, bà Moffitt chia sẻ.
Cả hai thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Mỹ đều gật gù, ngạc nhiên khi được nghe giới thiệu bưởi Diễn là loại để càng lâu mùi vị lại càng ngon.
Nếm thử những múi bưởi để sẵn trên bàn, bà Moffitt và bà Taylor càng bất ngờ hơn sau khi biết chúng được lấy từ các quả bưởi đã để gần hai tháng mà không cần chất bảo quản gì.
“Người Mỹ rất thích bưởi Việt Nam”
“Tôi đang rất nóng lòng trở lại Mỹ và đến những cửa hàng hoa quả để mua những quả bưởi của Việt Nam đã được xuất sang đó với tư cách là một người tiêu dùng Mỹ bình thường”, bà Taylor – quan chức phụ trách các vấn đề thương mại nông sản của Bộ Nông nghiệp Mỹ – bày tỏ.
Khi được hỏi về đánh giá của người tiêu dùng Mỹ với bưởi Việt Nam, bà Taylor cho biết người dân “rất thích” vì đây là loại trái cây đặc biệt, không có tại thị trường Mỹ.
Bà Taylor cũng cho biết hiện Mỹ và Việt Nam đang có một số chương trình hợp tác về nông nghiệp. Trong đó có các chuyến đi thực tế nhằm trao đổi kinh nghiệm, canh tác bền vững và tăng khả năng chống chịu của nông nghiệp trước biến đổi khí hậu.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, bà Moffitt cho biết ngoài chất lượng nông sản, đảm bảo sự trao đổi giữa hai bên diễn ra thông suốt, minh bạch cũng là một yếu tố quan trọng giúp mở đường cho trái cây Việt đến Mỹ.
“Miễn là hai bên luôn đảm bảo tiếp cận được vùng sản xuất cùng việc trao đổi các thông tin kỹ thuật khác, chúng ta sẽ có được những quyết định chính xác”, nữ thứ trưởng nông nghiệp Mỹ nói thêm.