Khi trẻ bước vào giai đoạn ăn dặm các bậc cha mẹ lại đau đầu với việc chọn lựa phương pháp ăn, thực phẩm cho trẻ. Vậy cha mẹ đã xác định được nên cho trẻ ăn dặm theo cách nào? Các phương pháp ăn dặm có gì khác nhau và cho trẻ ăn dặm hợp lý là như thế nào?
1. Cách cho trẻ ăn dặm hợp lý là gì ?
Khi bé được 6 tháng tuổi, ngoài nguồn cung cấp chất dinh dưỡng chính vẫn là sữa mẹ, trẻ cần được ăn bổ sung các loại thực phẩm khác, giai đoạn này được gọi là giai đoạn ăn dặm của bé và cần được thực hiện một cách hợp lý. Ban đầu, khi mới tập ăn dặm, nên cho trẻ ăn từ lỏng đến đặc, từ ít đến nhiều, tập cho trẻ quen dần với các loại thức ăn mới. Việc tăng số lượng thức ăn và bữa ăn cho trẻ cần phù hợp theo tuổi, đảm bảo thức ăn hợp với khẩu vị của trẻ. Khi chế biến thức ăn dặm cho bé cần đảm bảo thức ăn mềm, dễ nhai và dễ nuốt. Dụng cụ chế biến phải sạch sẽ, người chế biến cần rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn và khi cho trẻ ăn. Không nên cho trẻ ăn bột ngọt vì loại gia vị này vừa không có chất dinh dưỡng, lại không có lợi cho sức khỏe của trẻ.
Hầu hết các loại thức ăn tươi, sạch sẽ, và giàu dinh dưỡng mà người lớn ăn được hằng ngày đều có thể cho trẻ ăn được. Thức ăn bổ sung trong quá trình ăn dặm của trẻ có thể chia thành 4 nhóm:
- Nhóm cung cấp chất đạm bao gồm: thịt, cá, tôm, cua, trứng gà, sữa, đậu đỗ, lạc, vừng…
- Nhóm tinh bột bao gồm: gạo, mì, khoai, ngô…
- Nhóm chất béo bao gồm: dầu, mỡ, lạc, vừng…
- Nhóm giàu vitamin và khoáng chất bao gồm: rau, quả, đặc biệt các loại rau màu xanh thẫm và các loại quả có màu đỏ hoặc vàng.
Một chế độ ăn dặm hợp lý cho trẻ cần đảm bảo cung cấp đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng trên bên cạnh việc cho trẻ bú sữa mẹ hoặc sữa công thức.
2. Các phương pháp cho trẻ ăn dặm và phương pháp ăn dặm 3 trong 1
2.1. Phương pháp ăn dặm truyền thống
Phương pháp ăn dặm truyền thống đã có từ lâu đời, và được nhiều bậc cha mẹ sử dụng cho trẻ ăn dặm. Khi trẻ đến độ tuổi ăn dặm, bố mẹ của bé sẽ bắt đầu cho ăn dặm bằng bột xay chung với các loại thức ăn khác như rau củ, cá, thịt… Và khi trẻ bước sang độ tuổi mọc răng, bố mẹ sẽ chuyển sang cho trẻ ăn cháo và các loại thức ăn mềm khác kèm theo.
Ngày nay, rất nhiều bà mẹ cho rằng phương pháp ăn dặm kiểu truyền thống không còn phù hợp với xu hướng hiện đại nữa. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều trẻ em tại Việt Nam được cho ăn theo cách này.
Ưu điểm của phương pháp ăn dặm truyền thống là có thể giúp bố mẹ tiết kiệm thời gian bởi việc chế biến đơn giản. Đây là phương pháp phù hợp với những bậc bố mẹ quá bận rộn. Đồng thời, thức ăn xay nhuyễn dễ tiêu hóa, không ảnh hưởng đến khả năng tiêu hóa và hấp thụ thức ăn của trẻ.
Hạn chế của phương pháp ăn dặm truyền thống là trẻ ăn thức ăn nhuyễn nhiều, chậm khả năng ăn thực phẩm thô. Nhiều trẻ trên 2 tuổi nhưng vẫn phải ăn cơm nhuyễn, cơm nhá rất mất vệ sinh. Ngoài ra, việc chế biến chung nhiều loại thức ăn với nhau khiến trẻ khó cảm nhận được mùi vị riêng của các loại, không kích thích trẻ ăn uống. Trẻ dễ bị chán ăn, biếng ăn và kén chọn thực phẩm sau này.
2.2. Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật Bản
Người Việt luôn ưa chuộng những phương pháp nuôi dạy con thông minh của các quốc gia trên thế giới, nhất là của người Nhật. Với phương pháp ăn dặm kiểu Nhật, cha mẹ của trẻ sẽ bắt đầu cho ăn dặm từ lúc trẻ được 5-6 tháng tuổi. Tỷ lệ cháo pha loãng là 1:10. Độ thô của cháo được tăng dần theo độ tuổi của con. Ngoài ra, theo phương pháp ăn dặm này trẻ cũng được ăn các loại thực phẩm khác như thịt, cá, rau xanh,… với độ thô phù hợp.
Với phương pháp ăn dặm theo kiểu người Nhật sẽ giúp trẻ ăn riêng được nhiều loại thức ăn với đủ 3 nhóm thực phẩm là tinh bột – vitamin – chất đạm theo tiêu chuẩn: “vàng – đỏ – xanh”. Những loại thức ăn không bị trộn lẫn vào nhau mà được chế biến riêng từng khay đồ ăn của bé. Bên cạnh đó, trẻ được tập ăn nhạt, ăn từ các loại rau củ đến thịt cá để làm quen với từng loại thực phẩm khác nhau. Điều quan trọng nhất theo phương pháp ăn dặm này là cha mẹ không phải đưa con đi rong, thúc ép trẻ ăn uống.
Ăn dặm kiểu Nhật Bản mang lại một số ưu điểm như :
- Phương pháp cho trẻ ăn dặm kiểu Nhật Bản sẽ giúp trẻ có khả năng ăn thức ăn thô sớm hơn so với phương pháp ăn dặm truyền thống.
- Giúp trẻ ăn riêng các nhóm thức ăn khác nhau và giúp trẻ làm quen được với nhiều hương vị, không chán ăn và hình thành nên khẩu vị với những món ăn ưa thích.
- Phương pháp ăn dặm này giúp trẻ quen việc ăn nhạt và do đó sẽ có lợi cho thận của trẻ.
- Cuối cùng, phương pháp ăn dặm này giúp trẻ có tâm lý thoải mái, ăn uống không áp lực, tập trung và ăn được nhiều hơn.
Tuy mang đến nhiều ưu điểm tích cực nhưng ăn dặm kiểu Nhật cũng có một số những hạn chế nhất định:
- Bố mẹ mất rất nhiều thời gian và công sức để dạy bé ngồi, cầm thìa, ăn uống.
- Việc chuẩn bị các loại thực phẩm cũng rất mất thời gian.
Vì vậy, phương pháp này phù hợp với những mẹ ít bận rộn, có nhiều thời gian và tỉ mỉ trong việc chế biến đồ ăn dặm cho con. Nếu mẹ chọn phương pháp ăn dặm này cần thu xếp thời gian biểu hợp lý.
2.3. Phương pháp cho bé ăn dặm tự chỉ huy
Ăn dặm tự chỉ huy (có tên tiếng Anh là Baby Led Weaning và được viết tắt: BLW) là phương pháp ăn dặm tự quyền, tức là bé tự quyết định ăn gì, ăn món nào trước hoặc món nào sau mà không cần đến sự trợ giúp của người lớn.
Ngoài ra, ở phương pháp này thì trẻ có quyền ăn hoặc không ăn một món nào đó theo sở thích cá nhân. Bé có thể bốc bằng tay hoặc sử dụng thìa, muỗng, dĩa để ăn mà hoàn toàn không hề có sự can thiệp của cha mẹ. Ăn dặm tự chỉ huy là phương pháp ăn dặm mà cha mẹ tôn trọng quyền quyết định của con trong suốt quá trình ăn và bé sẽ tự khám phá và thưởng thức các món ăn theo ý muốn của mình.
Điều quan trọng nhất là mẹ không được đút, dỗ hay ép bé ăn, ăn ít hay ăn nhiều và ăn như thế nào là do bé. Bé sẽ được ăn cùng bàn, cùng thời điểm với những thành viên khác trong gia đình.
Nhìn chung, ăn dặm tự chỉ huy sẽ khuyến khích bé kết hợp việc ăn dặm với việc bú sữa mẹ (sữa công thức) cho nên nó không giống như các kiểu ăn dặm khác, trẻ sẽ có nhiều lựa chọn hơn là ăn đồ đã xay nhuyễn từ trước.
Ăn dặm tự chỉ huy bắt nguồn từ các nước châu Âu và châu Mỹ. Tại Việt Nam vài năm trở lại đây, phương pháp này mới được các bậc cha mẹ áp dụng bởi những lợi ích vượt trội so với cách ăn dặm thông thường.
Những lợi ích điển hình của phương pháp này chính là giúp trẻ phát triển kỹ năng, phát triển giác quan, tạo tính tự lập, giảm nguy cơ béo phì, giúp trẻ tăng cảm xúc trong ăn uống
Thời điểm tốt nhất để cho bé bắt đầu ăn dặm tự chỉ huy là từ 6 tháng trở lên. Đây là lời khuyên của tổ chức y tế thế giới WHO đối với những mẹ đang chuẩn bị áp dụng phương pháp ăn dặm này cho con. Khi bé được 6 tháng tuổi thì mẹ hãy giới thiệu các thức ăn thô để cho bé làm quen dần, nhưng hãy nhớ thức ăn chính vẫn là sữa mẹ nhé.
2.4. Phương pháp ăn dặm 3 trong 1
Ba phương pháp ăn dặm đã trình bày ở trên được coi là 3 phương pháp ăn dặm phổ biến nhất hiện nay tại Việt Nam. Hiện cả 3 phương pháp này vẫn đang được rất nhiều mẹ Việt áp dụng cho con của mình. Mỗi phương pháp ăn dặm sẽ có những ưu điểm và nhược điểm riêng.
Từ 3 phương pháp ăn dặm này, một phương pháp ăn dặm hoàn toàn mới cũng đã được ra đời. Với sự kết hợp linh hoạt giữa các phương pháp ăn dặm trên mà phương pháp ăn dặm 3 trong 1 giúp cho bé có khoảng thời gian trải nghiệm ăn uống vui vẻ, nhẹ nhàng và mang đến hiệu quả cao.
Hai phương pháp ăn dặm kiểu Nhật và ăn dặm tự chỉ huy, bé sẽ không ăn được nhiều, bé sẽ chậm lớn hơn trong khi những bé sử dụng phương pháp ăn dặm kiểu truyền thống bé sẽ ăn được nhiều hơn và tăng cân tốt hơn. Mặc dù vậy, nhưng tác dụng nổi bật của 2 phương pháp ăn dặm trên là không thể phủ nhận. Khi đó bé sẽ có kỹ năng xử lý thức ăn được tốt hơn, khả năng nhai tốt hơn, bé sẽ có hứng thú hơn với thức ăn và những bữa ăn. Ngoài ra, mẹ sẽ nhận biết được khẩu vị của bé như thế nào, bé thích ăn cá hay là ăn thịt…Thêm nữa, mẹ sẽ phát hiện tốt hơn liệu bé nhà mình có bị dị ứng với loại thực phẩm nào hay không. Dựa trên nguyên tắc của 2 phương pháp ăn dặm trái ngược trên thì phương pháp ăn dặm 3 trong 1 chính thức được ra đời. Tùy vào điều kiện gia đình mà ba mẹ có thể áp dụng hay thay đổi được một cách linh hoạt phương pháp ăn dặm này. Các bữa ăn dặm sẽ được kết hợp đan xen lẫn nhau.
Việc áp dụng phương pháp ăn dặm 3 trong 1 giúp cho các mẹ có thể thay đổi tùy chỉnh phương pháp ăn dặm cho con tùy thuộc vào tình trạng của con. Nhiều bé sẽ hợp hơn với phương pháp ăn dặm kiểu Nhật hoặc tự chỉ huy, tuy nhiên cũng không ít bé sẽ cảm thấy phù hợp với phương pháp ăn dặm truyền thống hơn. Ngoài ra, mẹ cũng nên chú ý tới độ thô của thức ăn để cải thiện được khả năng nhai, chức năng cơ miệng của bé được tốt hơn.
Bốn phương pháp ăn dặm nêu trên đều có những điểm mạnh và điểm yếu, do đó cho trẻ ăn dặm theo phương pháp nào phụ thuộc hoàn toàn vào cả mẹ và bé, các bậc cha mẹ có thể lựa chọn phương pháp phù hợp nhất với bé và điều kiện của mẹ. Các bà mẹ cũng có thể tham khảo từ những bà mẹ khác, tận dụng thế mạnh của mỗi phương pháp để tạo ra kiểu ăn riêng của con, ví dụ chế biến thức ăn truyền thống nhưng nên chú ý các bước ăn thô, cách cho trẻ ăn, tập cho bé ăn nhạt, tập trung ăn thay vì đi rong…. Hoặc thậm chí có thể kết hợp nhiều phương pháp ăn dặm trong các bữa ăn của trẻ trong ngày. Điều quan trọng nhất là giúp bé có được những bữa ăn ngon miệng và vui vẻ.
Ăn dặm là một trong những giai đoạn quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ nhằm cung cấp cho trẻ đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết bên cạnh sữa mẹ. Đây cũng là giai đoạn khiến các bậc cha mẹ đau đầu trong việc lựa chọn thực phẩm, lên kế hoạch và thực đơn ăn dặm cho bé. Bên cạnh đó, lựa chọn một phương pháp ăn dặm phù hợp cũng là mối quan tâm của nhiều bậc cha mẹ. Mỗi phương pháp ăn dặm có những ưu và nhược điểm khác nhau, chúng cũng có thể kết hợp với nhau để tạo nên phương pháp phù hợp nhất cho từng hoàn cảnh của mẹ và bé để tạo ra những bữa ăn ngon miệng, giàu dinh dưỡng cho trẻ.
Thực Phẩm bảo vệ sức khỏe LAMINKID I:
Sản phẩm có công dụng bổ sung vi khoáng và vitamin cho cơ thể. Hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường hấp thu thức ăn, giúp trẻ ăn ngon. Hỗ trợ nâng cao đề kháng cho trẻ, hỗ trợ giảm nguy cơ mắc bệnh do sức đề kháng kém như viêm đường hô hấp trên, cảm cúm.
Đối tượng sử dụng:
– Trẻ biếng ăn, kém hấp thu thức ăn, trẻ gầy yếu, suy dinh dưỡng, chậm phát triển.
– Trẻ có sức đề kháng kém, đang ốm hoặc vừa ốm dậy, trẻ hay mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên, cảm cúm.
Chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm:
- Công ty Cổ phần dược phẩm Elepharma
- Số 9, phố Trương Công Giai, tổ 17, Phường Dịch Vọng, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội, Việt Nam
- (ĐT) 1800 6091; (E) info.elepharma@gmail.com
Xem thêm thông tin về sản phẩm tại: https://i.vinmec.com/laminkid
Đăng ký tư vấn dinh dưỡng cho bé tại: https://i.vinmec.com/dangkytuvandinhduong
(Theo Vinmec)