Nếu đã từng một lần đến miền Tây chắc hẳn bạn sẽ thấy thương con người nơi đây. Với sự hiếu khách, sự chất phác thật thà, không câu nệ. Họ bình dị, chất phác và thẳng thắn. Đến với miền Tây chúng ta không thể không nhắc đến ẩm thực cũng độc đáo và bình dị nhưng gây thương nhớ của những món ăn dân dã nơi đây. Gỏi sầu đâu khô các sặc là một trong những món ăn như thế. Sự kết hợp giữa vị đắng đặc trưng của lá sầu đâu, vị mặn nhẹ của khô cá sặc cùng những nguyên liệu đa dạng làm món ăn có hương vị độc đáo, khó quên.
Lá sầu đâu- đặc sản không phải ở đâu cũng có
Cây sầu đâu là cây thân gỗ cao chừng 10 – 15m, nhánh cây tỏa rộng. Lá sầu đâu là nguyên liệu chính của gỏi sầu đâu có vị đắng, hậu ngọt, tính mát. Hoa Sầu đâu màu trắng ít đắng hơn.
Lá sầu đâu có vị đắng, ngọt nhẹ (ảnh: vnexxpress)
Bên cạnh việc sử dụng lá Sầu đâu như một loại thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày, được sử dụng làm thuốc hạ đường huyết, chống viêm, chống ung thư, kháng khuẩn, kháng nấm…lá sầu đâu còn rất giàu chất chống oxy hóa, ngăn ngừa sự phát sinh bệnh tật.
Gỏi sầu đâu – Món gỏi ngon, lạ miệng không phải ai cũng biết đến
Sầu đâu là loại cây thường mọc nhiều ở vùng An Giang, Kiên Giang… nghe có vẻ lạ với người dân xứ khác tới nhưng gỏi sầu đâu là món ăn quen thuộc ở các gia đình miên Tây trong các bữa cơm gia đình, hoặc làm món mồi nhắm lai rai cho mọi người trò chuyện.
Nguyên liệu làm món gỏi sầu đâu khô cá sặc vô cùng đơn giản: khô cá sặc loại càng lớn sẽ càng ngon, lá sầu đâu, thịt ba rọi, thơm, dưa leo, me, ớt, tỏi, rau răm. Cách chế biến món ăn này cũng vô cùng đơn giản, không cầu kì nhưng lại rất ngon.
Sầu đâu lặt lá chần sơ qua nước nóng pha chút muối rồi ngâm với nước đá cho lá bớt đắng và giữ được độ tươi. Khô cá sặc ngâm qua nước muối loãng cho bớt mặn, sau đó chiên vàng, bỏ xương rồi xé nhỏ.
Thịt ba rọi luộc chín, thái miếng mỏng vừa ăn. Dưa leo bỏ hột, thái lát mỏng. Thơm và xoài gọt vỏ, thái lát mỏng. Ngò gai, rau răm thái nhuyễn trộn đều vào bước cuối cùng.
Gỏi sầu đâu khô cá sặc thơm ngon (ảnh: ngoisao.net)
Nước mắm me là phần không thể thiếu trong món ăn giúp tăng thêm khẩu vị cho món gỏi này. Cho me vào nồi, đổ thêm ít nước đun sôi nhẹ đến khi rã rồi lọc lấy nước. Nước me trộn vào nước mắm nhĩ, thêm ít đường, tỏi và ớt băm nhuyễn. Nước chấm ngon và đúng vị là khi nếm thử thấy hài hòa với nhau nhưng rõ từng vị chua, cay, mặn, ngọt.
Găp một miếng gỏi đưa vào miệng sẽ cảm nhận được ngay vị ngon khó tả, khi ăn cùng nước mắm me làm hài hòa thêm vị của món đẵ sản dân dã này. Vị béo của thịt, vị ngọt đắng nhẹ của lá sầu đâu, chua ngọt của mắm me cùng một chút mặn thơm của khô các sặc. Tất cả cùng hòa quyện tạo nên một món ăn ngon tuyệt tạo nên giá trị ẩm thực cho món ăn, ăn một miếng rồi chỉ muốn ăn hoài.
Đơn giản là thế, ngon là thế nhưng không phải ai cũng biết được món đặc sản dân dã thôn quê này. Dân dã như chính tấm lòng con người, cách sống của con người miền Tây. Nếu có dịp, hãy xuống An Giang để được thưởng thức trọn vẹn món ăn đặc sản này ở miền sông nước hữu tình. Bạn sẽ cảm nhận được hết sự tinh túy của món ăn và cái chất của nó. Đảm bảo sẽ không làm bạn phải thất vọng.