Bào ngư là một món ăn cao cấp của các bậc vua chúa, quý tộc thời xưa nhờ giá trị dinh dưỡng đặc biệt có trong nó. Ngày nay, khi mức sống con người ngày càng tăng thì việc tìm mua bào ngư về chế biến các món ăn bổ dưỡng không còn quá lạ lẫm đối với nhiều gia đình, đặc biệt là giống bào ngư Hàn Quốc rất được mọi người ưa chuộng.
BÀO NGƯ HÀN QUỐC CÓ ĐẶC ĐIỂM GÌ
Bào ngư Hàn Quốc được đánh bắt chủ yếu từ đảo Jeju, nơi có nguồn nước trong xanh. Vùng biển nơi đâycó độ mặn 28-29‰, độ lạnh khoảng 10-11°C là điều kiện lý tưởng để bào ngư sinh trưởng và phát triển.
Bào ngư thuộc họ nhà ốc, lúc nhỏ sống ở gần bờ biển, bám chắc vào những vách đá ven bờ, và ăn rong rêu, tảo trên những vách đá để sinh trưởng. Càng lớn, bào ngư sẽ sống ra xa bờ, ẩn mình dưới những vách đá rất khó tìm.
Bào ngư Hàn Quốc có vỏ tầng thân phát triển lấn tầng xoắn ốc, từ mép vỏ gần miệng có khoảng 7-9 gờ, xoắn tạo thành các lỗ để thở với sự thoát nước từ mang, vì vậy mà bào ngư còn có tên gọi khác là ốc cửu khổng.
Vỏ bào ngư phía ngoài có nhiều vân tím, nâu, xanh xen kẽ nhau, phụ thuộc vào từng loài thích nghi với môi trường sống riêng có; mặt trong có lớp xà cừ óng ánh. Vỏ rất cứng làm chủ yếu từ canxi cacbonat gồm nhiều lớp xếp chồng lên nhau, có tác dụng phân tán lực khi bào ngư bị tấn công.
Chân bào ngư rộng, có cơ bám chắc vào đá đáy biển, giúp cho nó có thể sống được ở các vùng nước chảy mạnh. Thức ăn của bào ngư gồm các loài rong tảo biên, mùn bã hữu cơ.
GIÁ TRỊ DINH DƯỠNG CÓ TRONG BÀO NGƯ HÀN QUỐC
Trong 100g bào ngư chứa: chất đạm 17,05 g; đường (carbonhydrat) 5,89g; chất béo 0,75g; cholesterol 84,7mg; các loại vitamin B1, B2, khoáng chất và nguyên tố vi lượng. Trong chất đạm cũng có đủ 19 loại axit amin thiết yếu cho cơ thể ở lượng mức tương đối cao như Methionin 0,73 mg; Isoleucin 0,75 mg; Valin 0,7 mg; và axit glutamic 2,31 mg.
LỢI ÍCH SỨC KHỎE TỪ BÀO NGƯ HÀN QUỐC
Theo y lý Trung Quốc, bào ngư tươi tốt cho lục phủ ngũ tạng, da hồng hào tự nhiên, bổ âm, tăng khí, hạ nhiệt, tăng cường sinh lực cho nam nữ, giúp sáng mắt, trị ho, khó tiêu và đặc biệt giúp lấy lại sức khỏe cho người bệnh người lớn hay cơ thể bị suy nhược và rất tốt cho bà bầu và trẻ nhỏ.
Tuy có lượng cholesterol khá cao, song bào ngư lại không gây ảnh hưởng cho người bị chứng cholesterol cao, do có sự cân bằng trong thành phần. Mọi người đều có thể ăn bào ngư, đặc biệt thích hợp hơn với những người mắc chứng tiểu đêm, khí huyết hư nhược, huyết áp không ổn định, tinh thần thiếu sự tập trung.
Nghiên cứu cho thấy, các chiết xuất hoạt chất sinh học từ thịt bào ngư có thể cải thiện khả năng miễn dịch mạnh mẽ, trong quá trình trao đổi chất có thể hỗ trợ tiêu diệt tế bào ung thư, tỷ lệ ức chế có thể được cải thiện mà không ảnh hưởng đến các tế bào bình thường của cơ thể, từ đó có tác dụng quan trọng trong việc bảo vệ cơ thể.
Hợp chất chống oxy hoá có trong bào ngư tên là paolin-là protein có phân tử lượng cao, từ 5.000 đến 10.000 đơn vị. Đây là chất giúp bảo vệ cơ thể đẩy lùi bệnh tật.
Nhiều nghiên cứu cho thấy vỏ bào ngư có chứa canxi cacbonat, magiê, sắt, silic, photphat và clorua. Vì vậy, Đông y thường dùng vỏ bào ngư để làm thuốc, được gọi là Thạch quyết minh, có vị mặn, tính hàn, tác động vào kinh mạch thuộc thận và can, giúp hạ hỏa, trị nhức đầu, chóng mặt, đỏ mắt..v.v…
LỰA CHỌN VÀ SỬ DỤNG BÀO NGƯ HÀN QUỐC NHƯ THẾ NÀO
Lựa chọn bào ngư: Chạm nhẹ vào cạnh bào ngư, thấy có phản ứng đàn hồi là bào ngư tươi. Một cách khác để phân biệt bào ngư còn tươi mới là nhìn con nào có thân tròn dày, thịt đầy, mình đồng đều, cầm lên thấy chính giữa thường có một đường màu đỏ là loại ngon.
Hiện nay trên thị trường cũng đã xuất hiện sò giả bào ngư, vì sò nhìn bề ngoài cũng rất giống bào ngư, chỉ khi ăn mới phát hiện ra. Thế nên khi đi mua bạn cũng nên quan tâm đến giá thành sản phẩm, nếu rẻ quá rất có thể đó không phải là bào ngư mà là sò.
Cách làm sạch bào ngư: Dùng bàn chải cọ sạch màu đen trên vỏ bào ngư, để nguyên con, rửa sạch xung quanh diềm, nếu có cát.
Bảo quản bào ngư: Cách bảo quản bào ngư tốt nhất vẫn là mua bào ngư về sử dụng liền. Nếu chưa kịp sử dụng thì nên cho vào ngăn đông của tủ lạnh.
Có thể để bào ngư ở nơi nhiều gió cho khô, tránh ánh nắng mặt trời chiếu vào. Khi đã khô cho bào ngư vào hũ cất, nếu thấy bề mặt bào ngư nổi lên lớp phấn trắng, bạn đừng lo, đó không phải là mốc, mà do chất muối mặn từ nước biển có trong bào ngư tiết ra ngoài.