Trang chủ Gia Đình Món ngon quê tôi Trải nghiệm mùa nhãn lồng Hưng Yên

Trải nghiệm mùa nhãn lồng Hưng Yên

0
134
(ĐCSVN) – Hưng Yên được mệnh danh là thủ phủ nhãn của cả nước, với diện tích gần 5.000ha. Thời điểm này, nhiều vườn nhãn đang bước vào mùa thu hoạch. Ngoài việc bán nhãn cho thương lái, các nhà vườn còn kết hợp phát triển du lịch tham quan, trải nghiệm, góp phần đưa quả nhãn Hưng Yên đến gần hơn với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Nhắc đến vùng đất Hưng Yên, chúng ta thường nhớ ngay đến quả nhãn lồng nổi tiếng. Cây nhãn từ bao đời nay đã gắn bó với tuổi thơ của những đứa trẻ, thẩm thấu vào tâm thức của những người xa quê, là một phần trong cuộc sống của người dân Hưng Yên.

Đến Hưng Yên vào mùa nhãn chín mới cảm nhận được hết được sự gắn bó giữa cây nhãn với đời sống người dân nơi đây. Trong mỗi nhà vườn, những cây nhãn cao từ 3 – 5m, vỏ sù sì màu nâu thẫm, từng chùm nhãn nặng trĩu cành, quả màu nâu nhạt, tròn trịa. Cành nào cành nấy sa xuống đất, được người trồng chăm sóc, che chắn, nâng niu như gửi cả tâm tình vào nó.

Mùa nhãn lồng ở Hưng Yên kéo dài khoảng 3 tháng với 3 đợt thu hoạch chính. Đợt 1 là nhãn sớm thu hoạch từ ngày 20 – 30/7; đợt 2 là nhãn chính vụ từ ngày 7 – 15/9; đợt 3 là nhãn chín muộn thu hoạch đến hết tháng 10 dương lịch.

Dù có được mùa quả hay không, nhưng mùa nhãn chín hằng năm vẫn luôn mang đến cho vùng đất Hưng Yên nguồn lợi không nhỏ về kinh tế và những giá trị tiềm năng về phát triển du lịch thăm quan, trải nghiệm nông nghiệp.

 Nhãn lồng – “đặc sản tiến vua” của vùng đất Hưng Yên.

Du lịch nông nghiệp tại các vùng nhãn lồng Hưng Yên

Những ngày tháng 8, xuôi theo triền đê tả sông Hồng về phố Hiến, khách thăm quan sẽ gặp khung cảnh những rặng nhãn lồng xanh tốt, sai trĩu quả, trải dài ngút ngàn tầm mắt, tạo nên nét riêng có của miền quê Hưng Yên. Vùng trồng nhãn Phố Hiến nổi tiếng với thương hiệu “nhãn tiến vua”, vốn được trồng trên địa bàn các xã Hồng Nam, Quảng Châu (phường Hồng Châu). Đa số giống nhãn lồng đang trồng tại những địa phương này đều có một phần bộ gen từ giống nhãn quý có từ thế kỷ thứ XVI.

Anh Phan Đình Thắng, Chủ tịch UBND phường Hồng Châu, thành phố Hưng Yên, cho biết: Tại chùa Hiến, đến nay, vẫn còn trồng giống cây nhãn tổ hơn 400 năm tuổi. Hằng năm, cây vẫn tươi tốt, quả sai trĩu cành, thơm ngon.

Không chỉ mang tới mùa quả ngọt, những vườn nhãn hữu cơ tại xã Hồng Nam, thành phố Hưng Yên, đang mở ra hướng đi mới – phát triển du lịch trải nghiệm nông nghiệp – cùng đưa thương hiệu nhãn lồng Hưng Yên bay xa, đến với du khách trong và ngoài nước. Một trong những hộ trồng nhãn hữu cơ tại xã Hồng Nam, đang đón những đoàn du khách đến thăm quan, trải nghiệm hái nhãn, thưởng thức nhãn chín ngay tại nhà vườn, là hộ gia đình ông Bùi Xuân Sử. Nhận thấy việc trồng nhãn hữu cơ đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng và người trồng, từ năm 2021, ông mạnh dạn chuyển 1,5ha từ trồng nhãn VietGap sang trồng theo hướng trồng hữu cơ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chăm bón nhãn bằng chế phẩm hỗn hợp từ ngô, đỗ, cá ủ sinh phẩm để bón. Thuốc bảo vệ thực vật chế phẩm từ gừng, tỏi, ớt phun lên lá và thân cây nhãn. Nông sản sạch là cách giúp nhà vườn của ông thu hút được những đoàn du khách tới tham quan, trải nghiệm.

Những vườn nhãn xã Hàm Tử (Khoái Châu – Hưng Yên) cũng đang là điểm đến của nhiều đoàn du khách mỗi mùa nhãn chín; giúp thu hút du khách và giải quyết bài toán được mùa, mất giá. Các hộ trồng nhãn ở xã Hàm Tử đã liên kết, thành lập mô hình Hợp tác xã, thực hiện quy trình trồng nhãn theo tiêu chuẩn VietGap, mở rộng thị trường, đưa loại đặc sản này đến với thị trường trong và ngoài nước.

 Hát dân ca Trống quân, giới thiệu với du khách trải nghiệm vườn nhãn chín, tại huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.

Vụ nhãn năm nay, Hợp tác xã Miền Thiết đón nhiều đoàn khách trong, ngoài nước tới tham quan, trải nghiệm. Vào dịp cuối tuần, khách du lịch tìm đến trải nghiệm khá đông. Từ khoảng 9 năm nay, tour trải nghiệm 0 đồng của Hợp tác xã Miền Thiết đã trở thành thương hiệu, thu hút nhiều đoàn khách đặt lịch tới tham quan, trải nghiệm.

Theo các chủ vườn, nhà vườn thường mở cửa từ 8 – 18h, đón khách vào tất cả các ngày trong tuần. Đến vườn nhãn, bên cạnh việc thưởng thức những quả nhãn tươi ngon ngay tại vườn, khách tham quan còn có dịp tìm hiểu và khám phá các sản phẩm làm từ nhãn như: Long nhãn, mật ong, nghe những tiết mục hát trống quân, xem biểu diễn văn nghệ dân gian gắn với văn hóa địa phương.

Tham gia đoàn du lịch trải nghiệm nông nghiệp, từng đến nhiều nhà vườn trong cả nước, nhưng anh Hà Tuấn Sơn (Thanh Hóa) rất ấn tượng với những vườn nhãn của Hợp tác xã Miền Thiết. “Tới vườn nhãn lồng Hưng Yên, tôi rất thích những chùm nhãn trĩu quả và không gian thoáng mát, không khí trong lành. Đặc biệt, các chủ vườn rất nhiệt tình tiếp đón, không thu phí tham quan. Điều thú vị hơn là tôi được tự tay bẻ và thưởng thức những trái nhãn lồng chín cùi dày, róc hạt, có vị ngọt thanh ngay tại vườn, và lưu giữ bức ảnh đẹp cùng bạn bè” – Anh Sơn chia sẻ.

Nâng tầm du lịch Hưng Yên

Đánh giá về mô hình du lịch tham quan di tích lịch sử văn hóa, trải nghiệm vườn nhãn trên địa bàn tỉnh, ông Đỗ Hữu Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hưng Yên, cho rằng: Mô hình du lịch này đang có bước phát triển, góp phần đa dạng hóa, phong phú sản phẩm, tăng thêm lựa chọn cho du khách khi tìm hiểu, trải nghiệm vẻ đẹp quê hương, con người Hưng Yên. Để phát triển loại hình du lịch này một cách bền vững, các ngành chuyên môn, các đơn vị kinh doanh du lịch và nhà vườn cần có sự phối hợp chặt chẽ, toàn diện, đầu tư cho cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ du lịch.

Hiện nay, loại trái cây này đã được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, áp dụng tại 4 vùng trồng nhãn lớn gồm: thành phố Hưng Yên, huyện Khoái Châu, Kim Động và Tiên Lữ. Nhãn lồng đưa ra thị trường được đóng vào túi lưới màu xanh có dán nhãn mác, tem xuất xứ chỉ dẫn địa lý. Toàn tỉnh có 15 vùng trồng đã được cấp mã vùng xuất khẩu, trong đó có 2 vùng được cấp mã số xuất khẩu sang Mỹ, 13 vùng trồng được cấp mã số xuất khẩu sang Trung Quốc.

Những năm gần đây, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hưng Yên đã chỉ đạo và ban hành nhiều Nghị quyết, Chương trình, Quy hoạch, Đề án phát triển du lịch quan trọng. Đặc biệt là Nghị quyết số 368/NQ-HĐND, ngày 6/7/2023 chủ trương xây dựng tuyến đường kết nối di sản văn hoá du lịch phát triển kinh tế dọc sông Hồng.

Xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng quê văn hiến, bao gồm: Du lịch tâm linh gắn với văn minh lúa nước sông Hồng; Tour du lịch văn hóa đường sông Phố Hiến – Đa Hòa – Hà Nội; dịch vụ vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng tại Ecopark…

Cùng với đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Công Thương tỉnh Hưng Yên thường xuyên phối hợp với các đơn vị giới thiệu, quảng bá về vùng đất, con người Hưng Yên qua các Tuần lễ nhãn lồng Hưng Yên; chương trình “Sắc màu Du lịch Hưng Yên”; giới thiệu Không gian văn hóa du lịch Hưng Yên hành trình khám phá – lan tỏa tại Hà Nội; hội nghị “Xúc tiến điểm đến du lịch tỉnh Hưng Yên năm 2023” cùng nhiều hoạt động khác tại các tỉnh thành bạn./.

Bài, ảnh: N.Dương
Nguồn: https://dangcongsan.vn/kinh-te/trai-nghiem-mua-nhan-long-hung-yen-644762.html

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây