Trong không khí các gia đình trên khắp mọi miền đất nước đều đang chuẩn bị cho mâm cơm Tất niên. Hôm nay chúng tôi đã liên hệ được với Nghệ nhân Ẩm thực Lê Công Hùng; Trưởng khoa Quản trị chế biến món ăn – Trường Cao đẳng Du lịch Huế để cùng tìm hiểu về mâm cỗ Tất niên của người Huế và đặc biệt giới thiệu cùng độc giả cách chế biến món Chả Phượng Cung đình.
Ở Huế mâm cỗ Tất niên thường có tối thiểu 7 món như: gà luộc nguyên con, xôi, bánh chưng hoặc bánh tét; món hầm, thịt luộc tôm chua, một món xào, dưa món. Đặc biệt món nem công, chả phượng cũng được nhiều gia đình Huế chuẩn bị trong mâm cỗ Tết để cúng tổ tiên.
Món ăn cung đình Huế thường phục vụ trong các bữa yến tiệc chúng ta phải kể đến chính là Chả Phượng. Trải qua nhiều thăng trầm biến cố trong lịch sử, nhiều món ăn truyền thống đã không còn hay bị thất truyền theo thời gian; nhưng món ăn “Chả phượng” vẫn được gìn giữ và phát triển cho tới tận ngày nay và trở thành món ăn truyền thống của dân tộc. Trong các dịp lễ tết nhiều nhà vẫn làm món ăn này; để dâng lên ông bà tổ tiên thể hiện lòng hiếu thảo và cầu mong cho gia đình được hạnh phúc, bình an.
Chúng ta hãy cùng Nghệ nhân Ẩm thực Lê Công Hùng vào bếp chuẩn bị món Chả phượng Cung đình Huế; cho mâm cơm tất niên hôm nay nhé. Chắc chắn món ăn này sẽ khiến cả gia đình khen bạn nức nở và sẽ là tâm điểm checkin của mâm cỗ Tất niên.
Nguyên liệu:
Giò sống
Trứng Vịt
Nấm mèo
Cà rốt
Bột năng
Đậu cô ve
Cách chế biến:
SƠ CHẾ:
– Cà rốt rửa sạch, gọt bỏ vỏ, 1 phần cắt thành những thanh dài có độ dày 3cm,
– Đậu cô ve rửa sạch, tước bỏ chỉ xơ ở 2 đầu.
– Luộc đậu cô ve và cà rốt đã cắt thanh khoảng 2 phút rồi vớt ra để ráo nước.
– Nấm mèo ngâm nở rửa sạch, để ráo.
– Đập 5 quả trứng vịt vào tô rồi dùng đũa đánh đều đến (lòng đỏ và lòng trắng tách riêng; thêm 10g bột năng để tạo độ dai cho trứng)
CHẾ BIẾN
1. Đổ bạt trứng
– Bắc chảo lên bếp và bật lửa vừa, thoa 1 ít dầu ăn lên khắp bề mặt chảo. Khi chảo nóng thì múc 1 vá canh hỗn hợp trứng cho vào chảo; và dàn đều khắp bề mặt để ta có được lớp vỏ bằng trứng mỏng và phẳng đẹp mắt.
– Đậy nắp lại khoảng 2 phút cho hỗn hợp trứng chín đều. Khi chín thì cho lớp vỏ bằng trứng ra dĩa, làm tương tự như vậy đến khi hết phần hỗn hợp trứng.
– Tiếp tục đổ lòng trắng tương tự
2. Cuộn chả
Trải lớp vỏ bằng trứng lên mặt phẳng (phần mặt trứng màu vàng đậm úp xuống dưới); cho 1 muỗng cà phê giò sống thoa đều lên bề mặt của miếng trứng.
Sau đó đặt miếng lòng trắng lên trên, tiếp theo cho 2 muỗng cà phê giò sống lên giữa lòng trắng rồi dàn đều theo chiều ngang.
Đặt 1 miếng cà rốt lên trên rồi phủ 1 lớp mỏng giò sống lên trên miếng cà rốt, tiếp tục đặt đậu cô ve lên trên lớp giò sống rồi cuộn tất cả lại.
Sau đó dùng tay miết cuộn chả theo chiều nghiêng sao cho cuộn chả thành hình giọt nước là được. Làm tương tự đến khi hết các nguyên liệu.
Bắc nồi hấp lên bếp với lửa lớn, nước sôi thì giảm lửa vừa rồi đặt khay hấp lên. Đậy nắp lại và hấp trong khoảng 20 phút thì cuộn chả chín.
Nếu bạn tỉa đầu Phượng hoàng trang trí được nữa thì sẽ rất tuyệt. Nếu không tỉa được thì cũng không sao vì bản thân món ăn cũng đã có màu sắc hấp dẫn rồi.
TRÌNH BÀY SẢN PHẨM MÓN CHẢ PHƯỢNG CUNG ĐÌNH HUẾ
– Phần cuộn chả sau khi hấp chín lấy ra để nguội rồi cắt lát dày khoảng 1.5 cm.
– Trình bày ra dĩa với tạo hình đầu chim phượng, trứng hình tam giác; sau đó xếp từng miếng chả vào theo hình đuôi phượng uốn cong.
– Ăn kèm với nước xốt chua ngọt