Phở là món ăn ai cũng có thể nấu nhưng để nấu được ngon là rất khó. Chỉ cần bỏ ra một chút thời gian và công sức tham khảo bí quyết nấu ăn của đầu bếp nổi tiếng là bạn đã có thể chuẩn bị cho gia đình một món ngon đậm đà, không khác gì ngoài hàng. Bí quyết để nấu được món phở ngon, bên cạnh đó không thể thiếu những đồ dùng nhà bếp là những gia vị nấu ăn trong đó có gia vị nấu phở.
Gia vị nấu phở là “linh hồn” của món phở, nó quyết định đến hương vị thơm ngon hay không. Ngoài gừng già và hành củ đem nướng, gia vị nấu phở có sẵn thì nhất định không thể thiếu những gia vị thảo mộc. Vậy những gia vị “thần kỳ” này là gì?
Đại hồi
Đại hồi, hay còn gọi là bát giác, là một loại thảo mộc phổ biến trong ẩm thực châu Á và nhất là phở Việt Nam.
Nguồn ảnh: internet
Đại hồi cũng là một vị thuốc nam có nhiều công dụng chữa bệnh, nhưng khi làm gia vị cho phở thì nó cung cấp cho món ăn vị cay nhè nhẹ, rất tinh tế khó nhận ra, cùng với mùi thơm nồng. Mùi thơm của đại hồi có nguồn gốc từ anethol, tạo ra cảm giác mùi có vị ngọt dịu như cam thảo, góp phần tạo nên mùi hương có vị thơm ngọt khó cưỡng cho nước dùng phở.
Tiểu hồi
Tiểu hồi giống với đại hồi, cũng là một vị thuốc có nhiều công dụng hay cho sức khoẻ. Tiểu hồi thường được dùng trong các công thức bánh kẹo cũng vì có thành phần anethol như đại hồi, có mùi ngọt, tuy nhiên mùi ngọt ở tiểu hồi rõ hơn.
Nguồn ảnh: internet
Và khác với đại hồi có vị cay, tiểu hồi được cho là có vị ngọt gần như cam thảo, không quá ngọt nên rất thích hợp để thêm vị ngọt cho các món ăn mặn.
Quế
Quế dùng trong thực phẩm được chế tạo từ vỏ cây quế, có vị cay và mùi thơm nồng rất đặc trưng. Quế là hương vị quen thuộc được dùng xuyên suốt ở các nước trên thế giới, từ bánh ngọt đến mặn.
Nguồn ảnh: internet
Dù có vị cay nhưng cái cay của quế rất dễ chịu, chỉ giúp nước phở thêm nồng và đậm vị chứ không thực sự khiến vị cay tăng lên thêm. Quế cũng là một loại thuốc được dùng trong đông y để chữa nhiều chứng bệnh chống giảm đau, sát trùng, cảm lạnh hay đau bụng… Ngoài ra quế cũng là loại thuốc chữa chứng biếng ăn hiệu quả, kích thích vị giác (đại hồi cũng có tác dụng tương tự, có thể hiểu vì sao phở lại “gây thèm” đến thế nhỉ).
Đinh hương
Vào thế kỷ IV trước công nguyên, nhiều lãnh chúa Trung Hoa đã ra quy định là những vị khách đều phải nhai đinh hương trước khi ra mắt họ, bởi vì đinh hương có mùi thơm đặc biệt đến mức có thể làm thơm hơi thở và khử mùi hôi miệng. Mùi thơm của đinh hương rất nồng và đặc trưng, vậy nên cũng được sử dụng nhiều trong cẩm thực.
Nguồn ảnh: internet
Đinh hương là nguồn vi ta min B, C, D, E, K dồi dào và có nhiều chất khoáng như canxi, kali, protein nên được xem là loại gia vị trân quý bậc nhất vào thời xưa khi khai thác còn hoang sơ. Đinh hương cũng là một thành phần cung cấp sự cay nhẹ và ấm nồng cho nước phở.
Thảo quả
Được biết đến với cái biệt danh rất “kiêu” là nữ hoàng của các loại gia vị, thảo quả cũng có vị cay nồng, nhưng đi kèm là vị ngọt dịu, khiến nó trở thành một phần không thể thiếu trong nước phở. Thảo quả có tính ấm, cũng là một vị thuốc quý của người Việt, có tác dụng chữa các bệnh như ho đờm, làm ấm bụng, trợ vị giúp ngon miệng hơn.
Nguồn ảnh: internet
Hạt mùi
Hạt mùi là phần hạt được sấy khô từ rau mùi, có hương thơm dễ chịu nên thường được dùng không chỉ trong nước dùng phở mà còn nhiều món trong ẩm thực Việt Nam như súp, lẩu, các loại nộm, gỏi… Hạt mùi là gia vị quen thuộc, có chất béo và tác dụng khử mùi nên cũng thường được dùng để ướp các loại thịt như heo, bò, cừu, gà, vịt… Thậm chí, nhiều người cũng dùng bột hạt mùi trong cà ri, phá lấu…
Nguồn ảnh: internet
Trên đây chỉ là những loại thảo mộc rất cơ bản, tuỳ người nấu mà sẽ có thay đổi theo kinh nghiệm và công thức của riêng bản thân để tạo nên sự độc đáo cho nước dùng phở. Khác với nhiều món hay dùng bột ngũ vị hương thì vị phở chuẩn mực của Việt Nam ta thường dùng các loại thảo mộc này ở dạng khô nguyên thuỷ chứ không nghiền thành bột, sau đó đem đảo đều trên lửa cho dậy vị rồi bỏ vào túi lọc, nấu chung với nước phở để chắt ra tinh tuý.