Bánh trung thu thành món hàng xa xỉ

0
193

Tôi tự làm một cái bánh trung thu, chi phí nguyên liệu khoảng vài chục nghìn đồng, nhưng giá thị trường từ vài trăm đến cả triệu đồng.

Tôi là tác giả bài viết “Du lịch bền vững từ việc ngừng tăng giá dịp lễ, Tết“. Nhân câu chuyện “Bánh trung thu Việt quá đắt“, tôi xin chia sẻ thêm đôi điều về quan điểm của mình. Nói về giá bánh trung thu Việt, phải nói thẳng là “một vốn bốn mươi lời” đối với nhiều loại bánh nhân thập cẩm (mà khi ăn chúng ta cũng không thể phân biệt nổi sự khác nhau trong hương vị của cái bánh giá 500.000 đồng với cái bánh 150.000 đồng một cái).

Tôi thử tự làm một cái bánh trung thu nhân đậu xanh cho cả nhà, chi phí nguyên liệu chỉ đâu đó khoảng vài chục nghìn đồng một cái, chưa tính đến tiền điện khi nướng bánh. Trong khi đó, chiếc bánh đó được bán ra thị trường có giá gấp cả chục đến cả trăm lần. Bánh trung thu Việt chỉ có thể nói là “đắt kinh khủng” đến mức không tưởng.

Có thể thấy hàng “made in Vietnam” hầu như cái gì cũng đắt hơn giá trị thực tế của nó. Trong khi đó, thu nhập của đa số người Việt cũng đâu có cao gì. Làm thế nào mà người Việt ủng hộ và tin dùng hàng Việt được bởi tiền có quá nhiều đâu để mua nổi chiếc bánh trung thu có giá cả trăm đến vài trăm nghìn đồng?

Khi tôi còn là một đứa trẻ, mỗi dịp trung thu là địa phương lại phát cho dân phố một số lượng lớn bánh nướng, bánh dẻo để phát cho tất cả đám trẻ con trong tổ. Bánh hồi đó chỉ nhỏ thôi nhưng đủ thứ hình từ heo đến cá chép. Lũ trẻ nhận những món quà ấy mà vui mừng hớn hở. Buổi tối trung thu, khoảng 19h sẽ có chiếu phim hoạt hình trên TV, người lớn lại mở cho tụi nhỏ vừa xem, vừa ăn bánh kẹo, phá cỗ linh đình. Trung thu trong khi ức của chúng tôi rất giản dị mà ấm cúng, đáng nhớ như vậy.

>> ‘Bánh trung thu Việt quá đắt’

Còn bây giờ, kinh tế đất nước phát triển hơn nhiều, tôi đã chẳng còn thấy hoạt động phát bánh trung thu cho trẻ ở tổ dân phố nữa. Trung thu ngày nay cũng nhật hơn vì mất dần những ý nghĩa tốt đẹp từ thời xa xưa. Bây giờ, trung thu không còn là ngày hội của trẻ con nữa, chẳng còn những buổi phá cỗ, rước đèn, múa lân linh đình nữa. Thay vào đó, nó dịp để người lớn biếu xén, chúc tụng nhau, phục vụ cho nhiều mục đích thực dụng khác.

Và thế là, từ cái bánh rẻ tiền năm nào, nay bánh trung thu được bọc trong những chiếc hộp cầu kỳ, trở thành món hàng xa xỉ. Chính vì để phục vụ chuyện biếu xén như vậy nên giá trị vật chất của chiếc bánh cũng sẽ cộng thêm vào chi phí kinh doanh, sản xuất. Chiếc bánh khi xưa chỉ có 10.000 – 20.000 nay được bán với giá cả trăm, cả triệu đồng, dù chưa chắc đã ngon bằng (ngoài việc được nhà sản xuất quảng cáo đủ thứ nguyên liệu thượng hạng).

Để rồi, sau mỗi mùa trung thu đi qua, có lẽ chúng ta không hiếm gặp các hộp bánh xa xỉ được vứt bỏ trước nhà cửa ai đó vì hết hạn sử dụng hoặc bị mốc (bánh ngọt nên chẳng ăn được mấy đã phải bỏ đi).

Mùa trung thu bây giờ mang nhiều ý nghĩa vụ lợi, đổi chác của người lớn hơn là coi trẻ con là trung tâm. Đã đến lúc chúng ta cần nhìn vào thực tế cuộc sống mà thay đổi tư tưởng, hành vi của mình, sao cho mùa trung thu thực sự đem lại một niềm vui gì đó cho trẻ thơ và gia đình như mấy chục năm trước.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây