Cơm tấm nhuyễn có gì đặc biệt mà phải về Long Xuyên ăn cho đã thèm?

0
99

Nếu nhận là “fan” của món cơm tấm nhưng chưa biết đến món cơm tấm nhuyễn thì rõ là thiếu sót lớn. Tuy nhiên, phải ăn cơm tấm nhuyễn tại Long Xuyên ( An Giang ) – nơi được xem là vựa lúa gạo của miền Tây – mới đúng điệu.

Cơm tấm Sài Gòn là niềm tự hào của người dân thành phố mang tên Bác. Nhưng với các tín đồ của món này thì luôn tìm kiếm một khẩu vị mới lạ.

Món cơm tấm nhuyễn là đặc sản của Long Xuyên (An Giang), nơi nổi tiếng với nhiều món ăn ngon
ĐÀO NGỌC THẠCH

Trong một chuyến về Long Xuyên (An Giang) mới đây, anh bạn “thổ địa” rỉ tai: “Sáng mai, 7 giờ tôi sẽ đến khách sạn đón các bạn thưởng thức đặc sản không thể không nếm thử khi đến đây”.

Món đặc sản mà anh giới thiệu là quán cơm tấm bình dân bên đường, được nấu bằng hạt tấm nhuyễn. Cơm tấm nhuyễn là món ăn nổi tiếng của người dân Long Xuyên. Hạt tấm khi nấu chín thành cơm cũng chỉ to hơn đầu tăm một chút. Người dân địa phương còn gọi là tấm mẳn hay tấm nhang.

Từ miếng thịt đến sợi bì, dưa chua đều được cắt nhỏ cho phù hợp với hạt tấm nhuyễn
ĐÀO NGỌC THẠCH

Chủ quán cho biết, hạt tấm nhuyễn không bán ở chợ, phải đặt từ các nhà máy xay xát. Tấm vốn là phụ phẩm nên phải tốn nhiều công làm vệ sinh để được chất lượng như ý. Do vậy hiện nay, người ta dùng gạo trắng “chặt” ra thành tấm nhuyễn. Khó nhất chính là khâu nấu cơm. Không thể nấu theo cách thông thường mà phải hấp cách thủy, liên tục canh chừng để thêm nước thế nào cho vừa đủ để cơm chín đều và không bị nhão.

Để hài hòa với hạt cơm tấm bé xíu, các thành phần kèm theo cũng được cắt nhỏ. Miếng sườn nướng được cắt thành sợi nhỏ. Rồi đến sợi bì, cọng dưa chua cũng vậy. Thay cho miếng chả trứng hay chả cua như ở Sài Gòn là món trứng khìa cắt múi cau. Dĩ nhiên không thể thiếu một ít mỡ hành để tăng hương vị và chén nước mắm ớt chua ngọt.

Một đĩa cơm tấm mộc mạc đúng kiểu truyền thống miền Tây
ĐÀO NGỌC THẠCH

Vì mọi thứ đã được cắt nhỏ nên quán chỉ phục vụ muỗng mà không có nĩa hay đũa. Khách chỉ cần chan nước nắm lên cơm, trộn đều lại rồi thưởng thức. Mọi thứ hòa quyện vào nhau một cách tự nhiên. Khi cho cơm vào miệng, cảm giác như hạt cơm tan ra trên đầu lưỡi, hương thơm, vị ngọt của tấm như thấm vào vòm họng.

Cứ thế. Hết đĩa thứ nhất sang đến đĩa thứ hai. Trong khi đó, anh bạn đi cùng tôi cứ tấm tắc: “Ngon quá! Đúng là cái mùi vị cơm tấm ngày xưa ở quê, mẹ anh hay nấu. Phải thế này mới đúng là cơm tấm. Chứ cơm tấm bây giờ cũng ngon nhưng nó khác lắm, ăn không sướng”.

Long Xuyên là thành phố thủ phủ tỉnh An Giang, nằm bên bờ sông Hậu. Từ Long Xuyên, du khách có thể về hướng thành phố Châu Đốc để tham quan những điểm đến nổi tiếng như rừng tràm Trà Sư, cánh đồng Tà Pạ, hồ Soài So, núi Cấm, miếu Bà Chúa Xứ, làng Chăm Châu Phong… An Giang cũng có ẩm thực đa dạng với nhiều món ăn ngon, trong đó có cơm tấm Long Xuyên

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây