Trong mâm cơm ngày hè, nhìn thấy bát canh cua ray đay cà pháo là bao nhiêu thương nhớ dồn cả vào bát canh rau. Chỉ cần thấy lá rau xanh mướt, nổi bồng bềnh trên bát sứ trắng, bao nhiêu oi nồng bỗng tan biến hết.
Thời tuổi thơ đầy dữ dội
Tôi nhớ lại tuổi thơ dữ dội cùng bè bạn tôi ở chốn quê thân thương. Nơi những giọt mồ hôi mặn chát của mẹ, nỗi nhọc nhằn của cha làm lên bông lúa trĩu vàng, nơi tiếng ếch ồm ộp đêm đêm đã thâu lại thành khúc hát nhớ thương da diết. Mỗi lần áp lực cuộc sống hiện tại, tôi lại ước ao mình quay trở về quá khứ khi còn bé với những kí ức tuổi thơ ngọt ngào trong năm tháng đã qua. Kỉ niệm cứ lao xao trong miền nhớ nhung như vừa mới xảy ra từ hôm qua vậy. Trong tất tần tật kỉ niệm chẳng thể phai mờ, những buổi trưa hè cùng bè bạn trong xóm bắt cua nơi cánh đồng chẳng hiểu sao cứ làm tôi nhung nhớ lạ lùng.
Cua đồng vốn là con vật chẳng xa lạ gì với lũ trẻ chúng tôi. Tôi còn nhớ như in vào những ngày tháng sáu, ông trời giận dữ ai trút nóng bức xuống trần gian. Ấy thế mà chúng tôi chẳng sợ cái nóng đáng sợ ấy. Buổi trưa, chẳng ai bảo ai, mỗi đứa mang một chiếc giỏ ra đồng kiếm con cua về cho mẹ nấu bát canh. Lỗ cua thường cao hơn mép nước một chút. Bên ngoài lỗ có lớp bùn mỏng và một chút đất tơi xốp gọi là hang cua. Mỗi lỗ thường có một con cua. Có lỗ có hai, ba con. Có khi chẳng có con nào mà chỉ có lươn hoặc rắn nước. Mỗi lần thò tay móc được chú cua đang ẩn mình trong lỗ là vui phải biết. Nhưng đôi khi hét toáng lên vì sợ hãi khi móc phải con rắn nước đang thè chiếc lưỡi dài như thể đang rất đói. Cảm xúc cứ đan xen lẫn lộn.
Cua đồng giản dị như tên của nó vậy. Thân màu nâu, có hai càng: một càng to và một càng nhỏ và quen bò ngang. Thế nên các cụ ta thường hay nói: “Ngang như cua kềnh” để chỉ những ai có tính cách ngang bướng, ngỗ nghịch. Khi nào, ông mặt trời dịu lại. Dòng nước mát mẻ trong lành. Những chú cua lại hẹn nhau rời nhà để dạo chơi, rong ruổi quanh ruộng lúa. Những lúc ấy, chúng thật hiền lành, ngoan ngoãn lạ kì. Tôi khẽ khàng bước tới là đã tóm gọn cho vào giỏ mang về. Giỏ cua đầy ắp mang về trong niềm vui đong đầy hiện hữu trên đôi mắt mẹ yêu.
Tôi đổ cua ra chiếc nồi không nông quá vì sợ cua bò đi mất. Đàn cua lúc nhúc có vẻ lo lắng, xô đẩy lẫn nhau. Mẹ múc gầu nước giếng khơi đổ vào nồi rửa cua cho thật sạch. Tôi cùng mẹ ngồi nhặt bỏ mai, yếm rồi khều lấy gạch. Phần thịt cho vào cối đá để giã cho thật nhuyễn. Nhiều khi sơ ý bị càng cua kẹp cho vào tay, kêu lên đau điếng. Mẹ thổi thổi vài cái rồi lại quên cả đau, rồi lại tiếp tục làm như thể đam mê lắm.
Cua giã nhừ được lọc vài lần nước rồi bắc lên bếp củi đun thật nhỏ lửa, để thịt cua kết tủa lại thành miếng. Khi thấy tảng thịt ấy nổi lên, mẹ tôi đưa đũa khuấy nhẹ để thịt cua không đọng lại dưới đáy. Mẹ nhẹ nhàng đổ gạch cua vào khiến nồi nước bồng bềnh, sóng sánh. Cuối cùng mẹ cho rau đay hoặc mồng tơi đã thái nhỏ cùng mấy lát mướp hương vào nồi. Đun sôi kĩ được nồi canh cua đồng ngon tuyệt.
Mâm cơm bày lên bàn chỉ vẻn vẹn vài ba món: canh cua, đĩa cà, bát mắm, tươi lắm thì có thêm ít thịt kho mà lúc nào cũng cảm thấy ngon miệng. Bữa cơm gia đình đầm ấm, thân thương trong cùng tiếng truyện trò về mùa màng đồng áng khiến ta cứ nhớ và khao khát trở về. Và cứ như vậy, cua đồng cùng với vị ngòn ngọt của rau mồng tơi, rau đay đã tạo lên một món ăn đậm đà, chan chứa tình quê mà khiến người ta yêu, nhớ mãi.
Ngày trước, cua đồng trở thành một món ăn có nhiều đạm và dinh dưỡng ở quê tôi. Ngày nay ruộng đồng càng ít đi dần dần, chúng càng ngày càng trở nên khan hiếm do đồng bị thu hẹp dần, nguồn đất bị ô nhiễm. Trẻ con bây giờ cũng không được ra đồng trải nghiệm móc cua như ngày trước. Mỗi lần thèm món ăn quê này, tôi lại ra chợ mua lấy nửa cân để nấu canh. Nhưng toàn là cua nuôi thôi, bát canh không được thơm, ngọt nước như bát canh cua tự nhiên được bắt về. Nhưng dù ở thời nào, cua đồng cũng là món ăn được người dân ở mọi nơi dù nông thôn hay thành thị yêu thích.