Bột ngọt (mì chính) là gia vị thường gặp trong bữa ăn hằng ngày. Bột ngọt giúp các gia vị khác như đường, muối, hạt nêm, nước mắm hòa vào nhau, tạo hương vị đồng nhất.
Mì chính hay các gia vị khác vẫn thường được sử dụng phổ biến trong nấu ăn. Vì chúng giúp món ăn thêm ngon và đậm đà hơn. Tuy nhiên, nhiều bà nội trợ lo lắng việc sử dụng mì chính là không an toàn cho sức khỏe. Vậy mì chính liệu có hại như mọi người vẫn nghĩ? Nào chúng ta cùng tìm hiểu thông tin nhé
Bột ngọt (mì chính) có an toàn không?
Tính an toàn của mì chính đã được thẩm định bởi nhiều tổ chức y tế, sức khỏe trên thế giới. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từ năm 1987 đã kết luận: “quá trình chuyển hóa bột ngọt trong cơ thể trẻ em và người lớn là như nhau. Bột ngọt an toàn cho người sử dụng và có liều dùng hàng ngày không xác định”. Các tổ chức khác như Ủy ban Khoa học về Thực phẩm của Cộng đồng chung châu Âu; Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm của Mỹ cũng đưa ra những kết luận tương tự.
TS-BS Nguyễn Trọng Hưng – Trưởng khoa Tư vấn dinh dưỡng người lớn; Trung tâm Tư vấn, phục hồi dinh dưỡng và kiểm soát béo phì thuộc Viện Dinh dưỡng Quốc gia; Phó trưởng khoa Dinh dưỡng lâm sàng và tiết chế – Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã có những chia sẻ xoay quanh vấn đề này:
- Mì chính có tên khoa học là monosodium glutamate (mononatri glutamate). Bản chất của bột ngọt gồm natri và glutamate. Natri là thành phần quen thuộc trong muối ăn. Còn glutamate là một trong hơn 20 loại acid amin phổ biến trong tự nhiên; tồn tại cả ở cơ thể người và các loại động thực vật khác.
- Một trong những vai trò đặc biệt của acid amin là khả năng tạo vị cho thực phẩm. Ví dụ như methionine tạo vị đắng, aspatic tạo vị chua. Còn glutamate có đặc tính tự nhiên là mang lại vị ngọt, ngon cho món ăn.
Lưu ý khi sử dụng bột ngọt cho hợp lí
Mì chính có thể được xem là an toàn đối với sức khỏe con người. Tuy nhiên, bột ngọt vẫn chỉ là một gia vị thông thường; mà gia vị thì chỉ nên được sử dụng hợp lý. Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe; cần lưu ý một số vấn đề sau khi sử dụng mì chính:
-
Thời điểm để nêm mì chính vào món ăn: Khi được đun tới nhiệt độ trên 120 độ C, mì chính có thể bị chuyển hóa thành sodium glutamate. Làm mất hương vị tự nhiên của các món ăn và gây độc hại cho người sử dụng. Không những thế, việc cho mì chính vào trước khi nấu còn làm cho món ăn có vị đắng rất khó ăn và không tốt cho sức khỏe. Nhiệt độ 70-90 độ C là tốt nhất để mì chính hòa tan trong các món ăn. Vì vậy thời gian tốt nhất để cho loại gia vị này vào là khi đã tắt bếp và món ăn hơi nguội. Điều này không chỉ đảm bảo an toàn cho chúng ta; mà nó còn làm tăng hương vị cho món ăn. Đối với các món trộn hoặc nộm, có thể hòa tan mì chính với một chút nước rồi mới cho vào.
-
Kiêng các món ngọt: Khi nấu các món có độ ngọt hay đã sử dụng các loại rau củ quả có vị ngọt tự nhiên như củ cải, cà chua…thì không nên cho thêm bột ngọt vào những món này, nó sẽ dễ phá hủy hương vị ngọt sẵn có. Lượng vừa đủ một người/ngày không nên tiêu thụ quá 6g bột ngọt. Người cao tuổi và bị cao huyết áp, viêm thận, phù nề nên cẩn thận khi dùng bột ngọt.
-
Khi nấu các món có vị chua không nên cho bột ngọt. Vì những thực phẩm có tính acid cao dễ làm thành phần trong gia vị này thay đổi. Nếu cho bột ngọt vào món có độ chua càng cao; càng dễ ảnh hưởng đến sức khỏe nội tạng cơ thể.
-
Cấm kỵ với các món chiên: Với các thực phẩm chiên vàng, cháy xém cạnh. Không nên cho trực tiếp bột ngọt lên trên bề mặt; vừa mất hương vị đặc trưng lại tổn hại cho dạ dày.
Tại các nước châu Á như Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc…, Người tiêu dùng có thói quen sử dụng mì chính trực tiếp; trong quá trình nêm nếm món ăn để tạo ra vị ngon. Như vậy, bột ngọt được sử dụng phổ biến ở nhiều quốc gia; từ châu Á, châu Mỹ đến châu Âu, điểm khác biệt nằm ở cách sử dụng mà thôi.
Một số tâm lý lo sợ bột ngọt có hại
Một số người nội trợ cho hay đôi khi họ cảm thấy khó chịu, mỏi gáy… Sau khi ăn những món bún, phở ở hàng quán bên ngoài có nêm nhiều bột ngọt. Từ đó, nhiều ý kiến cho rằng phải chăng bột ngọt là nguyên nhân gây dị ứng, hay gây ra “hội chứng nhà hàng Trung Quốc”. Tuy nhiên, bột ngọt không nằm trong danh sách các thực phẩm gây dị ứng của Codex – Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm Quốc tế. Nghiên cứu được thực hiện bởi Geha năm 2000 tại Mỹ và nhiều nghiên cứu khác cũng khẳng định; bột ngọt không phải là nguyên nhân gây ra “Hội chứng nhà hàng Trung Quốc”.
Như vậy có khả năng những triệu chứng khó chịu kể trên xuất phát từ việc sử dụng bột ngọt không rõ nguồn gốc, hoặc thậm chí là yếu tố tâm lý sau khi nghe những thông tin không hay về bột ngọt. Do đó khi chúng ta sử dụng mì chính nên mua đúng nơi có uy tín, rõ nguồn gốc và dùng một cách hợp lí.