Nộm sứa Cô Tô

0
222

Hằng năm, vào tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch, vùng biển Cô Tô bước vào thu hoạch sứa biển với sản lượng chế biến 1.400 – 2.100 tấn/năm. Sứa biển Cô Tô có thể chế biến thành nhiều món ăn, nổi tiếng nhất phải kể đến món nộm sứa. Du khách đến huyện đảo Cô Tô đều không thể bỏ lỡ món ăn đặc sản này.

22
Sứa biển đưa vào xưởng sơ chế ướp muối thành phẩm. Ảnh Tê Quân

Trước đây, những con sứa biển luôn trở thành nỗi lo của ngư dân vì sợ làm rách lưới. Tuy nhiên từ năm 2010 trở lại đây, khi món ăn nộm sứa được nhiều du khách biết đến, con sứa hóa thành “vàng trắng”. Vào mùa thu hoạch ngư dân trên đảo đổ xô đi vớt sứa kiếm thêm thu nhập. Loài nhuyễn thể này có giá trị dinh dưỡng cao, không chỉ tiêu thụ mạnh trong nước còn chế biến đóng gói xuất khẩu.

Theo những ngư dân huyệnđảo Cô Tô, sứa sau khi được đánh bắt về được đưa về xưởng chế biến, công nhân tập trung phân loại, đưa vào bể máy quay ly tâm để đánh sạch nhớt và làm sứa cứng lại, thải hết tạp chất. Trong đó, phần chân sứa có giá trị chất dinh dưỡng cao, có thể chế biến nộm sứa ngon hơn các phần còn lại. Sau khi quay 10-12 tiếng đồng hồ, sứa được đưa ra bể nước muối, nồng độ tăng dần, ngâm  tới cả tháng; con sứa sẽ cứng, trắng, sáng đẹp, không còn nước.

Sứa thành phẩm đóng thùng loại 7-9kg bán trong nước và xuất khẩu, chủ yếu sang Trung Quốc. Hiện giá sứa thương phẩm từ 150.000-200.000 đồng/thùng (trong nước); 300.000-500.000 đồng/thùng (xuất khẩu sang Trung Quốc). Riêng món nộm sứa từ 70.000-100.000 đồng/đĩa.

22
Sứa được chế biến ướp muối, đóng thành các thùng loại 7-9kg xuất bán ra thị trường.

Từ sứa biển thành phẩm qua bàn tay chế biến của ngư dân sẽ cho món ăn nộm sứa (gỏi sứa). Món nộm sử dụng nguyên liệu chính là sứa đã được sơ chế, chần qua nước sôi, trộn chua ngọt với các loại rau, thịt và gia vị. Tùy theo vùng miền, nộm sứa có thể được chế biến khác biệt về nguyên liệu, nhưng không thể thiếu các loại rau câu, đu đủ xanh, cà rốt, ngó sen, hoa chuối. Các loại rau được rửa sạch, thái mỏng, trộn với thịt gà xé, tôm nõn thái nhỏ, giò lụa thái chỉ; các loại hạt bùi (lạc, vừng, hạt điều) rang chín, gã nhỏ; và các gia vị, rau.

Nộm sứa Cô Tô hiện tạo ra thương hiệu ẩm thực riêng biệt mang hương vị vùng biển Cô Tô. Nộm sứa Cô Tô ăn giòn, mát và có mùi vị không giống bất kỳ thứ hải sản nào khác. Nhiều du khách đến Cô Tô thưởng thức món nộm sứa thấy hấp dẫn, sau đó đặt mua các thùng chế biến sứa của ngư dân về chế biến món nộm sứa. Món ăn nộm sứa Cô Tô ngày càng được nhiều người biết đến.

22
Món nộm sứa được chế biến thơm ngon, hấp dẫn.

Trước đây, vào vụ thu hoạch sứa chính, các cơ sở chế biến sứa tạo việc làm cho khoảng 2.000 lao động, thu nhập từ 10-15 triệu đồng/người/tháng; doanh thu khoảng từ 80-100 tỷ đồng (chiếm trên 80% tổng giá trị thuỷ sản của huyện). Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, xuất khẩu sứa Cô Tô rất khó khăn. Vụ sứa năm 2020, toàn huyện chỉ có 23 cơ sở hoạt động, giảm 10 cơ sở so với năm 2019.

Người dân, du khách nếu mua với số lượng lớn có thể liên hệ với các nhà xưởng sản xuất tại Cô Tô; có thể đặt hàng qua các quầy kinh doanh thuỷ hải sản, các nhà hàng, chợ… của huyện Cô Tô. Huyện đang đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích các nhà hàng quảng bá món ăn này đến với du khách. Mới đây, tỉnh đã đề xuất với Bộ NN&PTNT đề nghị cơ quan hữu quan Trung Quốc sớm bổ sung danh mục sản phẩm và hình thức bảo quản sản phẩm của Việt Nam có tiền lệ xuất khẩu sang Trung Quốc, gồm sứa ướp muối. Đây sẽ là cơ hội để con sứa Cô Tô tiếp tục khẳng định là ngành, nghề truyền thống thế mạnh của địa phương; món nộm sứa ngày càng được du khách biết đến.

Phạm Tăng

Nguồn: https://baoquangninh.vn/nom-sua-co-to-2509075.html

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây