Thúng xôi đơn giản nhưng chứa đựng tâm tư tình cảm, mồ hôi của người làm ra nó. Với người có thâm niên ăn xôi thì xôi lúa làng Tương Mai luôn là một thương hiệu hấp dẫn.
Xôi lúa luôn có mầu tổng hoà của hoàng yến, vàng chanh. Cái màu phớt trắng của hạt ngô đã bung nhừ, ăn nhập lạ lùng cùng với hạt nếp ả đào đã nở, hạt gạo mọng nước, mềm mượt nhưng không nát. Những lát đỗ xanh được bào mỏng cuộn tròn trên mặt xôi, những lát bào dầy thì uốn cong như cuộn sóng biển, còn vụn lại rơi lả tả, tạo ra một cảnh tượng kích thích kinh khủng thị giác và cả vị giác nữa. Người bán xôi lúc đó hoá thân vào một tâm hồn nghệ sĩ, họ say mê bốc từng nhúm xôi bào từng ít đỗ, phủ lên mặt xôi. Những ngón tay xinh rưới mỡ và rắc hành phi thơm giòn. Hành khô được thái ngang, cọng lại có màu vàng bánh rán non, thành cái nhụy nâu trên nền bông hoa vàng.
Xôi lúa phải được để trên lá sen, như thế mới hoàn thành một tuyệt tác để dâng hiến cho đời. Ngày xưa gói xôi có một công thức riêng. Một mảnh lá sen nhỏ, có cái hình quạt giấy mở nửa chừng, được đặt khum khum vào lòng tờ giấy rồi bà hàng đơm xôi vào đấy, gấp mấy góc lại. Ăn xôi mà thoang thoảng mùi hương sen dễ chịu. Mùa sen tàn, không có lá sen thì gói bằng lá bàng. Ngày nay thì đa phần lót ni lon và giấy báo, cũng đỡ gây thèm nhớ đến mấy phần.
Một món ăn dân dã của người Hà Nội và chỉ có họ mới gọi là xôi lúa. Giờ nhiều người vẫn ngu ngơ thắc mắc, tại sao không phải là xôi ngô? Chắc họ không phải người Hà Nội. Có nhiều người cũng học đòi, gọi xôi lúa cho sang mồm, đến khi bà cụ đơm xôi ngô thì lại nói tôi gọi xôi lúa cơ mà, ý là lúa là xôi xéo đấy bà con ạ.
Chữ lúa là để chỉ hạt ngô, hạt bắp, còn Ngô ở đây là để chỉ nước Trung Hoa, người Việt ngày trước hay dùng từ Ngô, Hán, Đường để chỉ nước Trung Hoa hay người Trung Hoa.
Sau này từ lúa vẫn còn hiện hữu nơi món ăn xôi lúa như theo cách gọi của người Hà Nội, lúa ở đây chính là lúa ngô chứ không phải là thóc lúa và tránh gọi từ “Ngô” vì kiêng huý.
Khi ăn miếng xôi cảm nhận vị mềm dẻo, xôi mềm mượt, hạt xôi mướt ăn tới đâu biết tới đó, chính là nhờ vào những cái chõ đất hấp xôi, mặc dù mỗi lần hấp xôi các bà, các mẹ rất vất vả vì chõ đất rất nặng. Tại sao xôi lúa Tương Mai không bị nát và ướt ? Đó là vì họ vẫn sử dụng cái chõ đất để hấp, xôi trở nên dẻo, mềm không bị nát, vì chõ đất nhiệt cao, hơi âm nhiều, thấm hơi nước dư tốt, nên không bị nát xung quanh hoặc dưới đáy như chõ nhôm như bây giờ.
Vậy đó, nếu ai đó bước vào những gánh xôi ven đường, bên vỉa hè, nhỏ nhẹ cất tiếng gọi Cho gói xôi lúa, ắt hẳn, đó là người Hà Nội.
https://suckhoedoisong.vn/tuong-la-xoi-ngo-hoa-xoi-lua-169172000.htm