Tiếng lành đồn tận trời Tây
Chúng tôi đến thăm làng Đa Sĩ vào những ngày trời nắng như đổ lửa. Thế nhưng, công việc nơi đây chẳng bao giờ ngừng, những bếp lò rèn lúc nào cũng hừng hực lửa, những đôi tay gõ búa thoăn thoắt và mồ hôi thì không ngừng chảy ra trên trán của người thợ. Ở đây, chúng tôi cảm nhận sâu sắc sự vất vả của người dân nhưng cũng mừng vì cái nghề của cha ông vẫn được lưu giữ và trở thành sinh kế quan trọng của ngôi làng nằm giữa thị thành này.
Đến Đa Sĩ hỏi về ông Đinh Công Đoán ai cũng biết, bởi ông là người hiếm hoi của làng được Trung ương Hội làng nghề Việt Nam phong tặng là “Nghệ nhân năm 2014”. Ông Đoán cho biết, ông sinh ra và lớn lên trong một ngôi làng rất khéo tay, trước đây làng Đa Sĩ từng tồn tại 3 nghề là nghề rèn, nghề khâu vali và mây tre đan. Bản thân ông sinh ra trong gia đình làm nghề khâu vali. Tuy nhiên, sau khi xuất ngũ về lại địa phương, ông lại mày mò làm nghề rèn.
Ông cho biết, con dao được khắc tên “Đoán” của ông hiện đã được mang đi bán khắp trong nam, ngoài bắc, miền xuôi, miền ngược. Đặc biệt, con dao này còn được xuất sang nhiều nước như: Lào, Campuchia, Thái Lan thậm chí sang Châu Âu và Mỹ.
Đến bây giờ, ông vẫn nhớ như in một câu chuyện thú vị vào năm 2010. Khi đó, xưởng rèn của ông đón một vị khách đặc biệt người Đức đến tham quan. Ông ta quan sát rất kĩ xưởng rèn rồi sản phẩm của gia đình ông. Sau khi xem xét và thử kĩ lưỡng, vị khách người Đức mới từ từ lấy trong balô ra một con dao y hệt, trên thân dao cũng khắc một chữ “Đoán”. Sau đó, ông ta mới cho biết mình cũng có một xưởng sản xuất dao kéo ở bên Đức.
Trong một lần tình cờ, ông mua được con dao Việt Nam có khắc chữ “Đoán” này. Với con mắt của người trong nghề, ông ta biết đây là một con dao vô cùng sắc bén. Thế rồi, ông đã lần theo địa chỉ lô hàng và lặn lội sang tận làng Đa Sĩ để “diện kiến” người sản xuất nó.
Sau khi trao đổi, “ông chủ” người Đức ngỏ ý mời ông Đoán sang Châu Âu để làm việc với mức lương hàng ngàn euro. Tuy nhiên, đắn đo một hồi, ông Đoán từ chối. Ông cho biết, ông đã sống nửa đời người rồi, gắn bó với mảnh đất quê hương này rồi, lời mời của ông người Đức là một nguồn động viên lớn, chứng tỏ sức hút của con dao mang tên ông, nhưng ông vẫn quyết tâm ở lại Việt Nam để làm dao.
Không chỉ “thi” dao với người Đức, ông Đoán cũng có lần đọ tài rèn với người Nhật. Cách đây 2 năm, một đầu bếp khách sạn 5 sao ở TP.Hồ Chí Minh có dịp qua chơi đã mang theo một con dao do Nhật sản xuất. Ông ta cho biết, con dao này được làm bằng công nghệ hiện đại, có giá khoảng 4 triệu đồng, chức năng của nó là thái cực mỏng và cực sắc, hiện nay trên thế giới khó có nước nào theo kịp. Câu nói như kích thích ông Đoán.
Ông mượn con dao về nghiên cứu. Sau khi mượn dao, ông Đoán bổ tung ra xem xét và 2 ngày sau ông trả lại cho người đầu bếp một con dao mới do mình sản xuất, chất lượng không kém con dao ban đầu, nhưng giá chỉ khoảng 2 triệu đồng. Kể từ đó, năm nào, ông cũng xuất nhiều lô hàng dao cao cấp này cho các khách sạn 5 sao ở thành phố Hồ Chí Minh.
Nghệ nhân bật mí phương pháp “dao bổ thép”
Ông Đoán chia sẻ, sở dĩ dao của ông đạt tới độ tinh xảo khiến các nước tiên tiến cũng phải khâm phục là vì ông dùng phương pháp đặc biệt – “dao bổ thép”. Đưa cho chúng tôi xem con dao bóng loáng, ông Đoán cười thân tình bảo, nhìn con dao này nhiều người không biệt được với dao thường. Nhưng điểm tinh tế của nó nằm ở lưỡi dao.
Để giúp chúng tôi có thể hình dung rõ hơn về phương pháp này, ông Đoán dẫn chúng tôi xuống tận xưởng để xem tỉ mỉ từng công đoạn. Ban đầu, ông dùng một tấm sắt để làm dao như thông thường. Nhưng bằng một phương pháp đặc biệt, ông tách đôi tấm sắt mỏng đó, rồi sau đó, ông cho vào giữa một lưỡi thép đặc biệt. Tùy vào công dụng của dao (chặt, thái, băm…) mà ông dùng loại thép phù hợp. Sau đó, vỏ sắt và lòng thép được đưa vào lò nung nóng cho quện với nhau. Sau công đoạn này, hợp chất được mang ra rèn để chúng kết dính như được làm cùng một chất liệu; cuối cùng mới là khâu mài, tra cán…
Ông Đoán cho biết, do vật liệu bằng thép rất đắt và khó rèn nên không thể dùng hoàn toàn chất liệu này làm các dụng cụ như dao, cưa, bào, đục… Vì vậy, áp dụng phương pháp bổ đôi sắt và đưa thép vào rèn sẽ giúp cho dụng cụ có được độ sắc bén cần thiết cũng như có thể dễ dàng rèn và giá thành cũng rẻ hơn. Một trong những cái khó nhất của phương pháp này việc bổ thanh sắt và rèn lại sao cho chúng liền với nhau như cùng một chất liệu. Đây là một kĩ thuật rất khó mà ông Đoán phải mất nhiều năm nghiên cứu mới có được.
Ông Đoán tâm sự, bản thân ông rất tự hào về dao của làng mình đã vượt qua “lũy tre làng” để sánh ngang với nhiều loại dao rèn từ các nước có công nghệ tiên tiến hàng đầu. Điều này vừa giúp kinh tế của cả làng Đa Sĩ phát triển mạnh mẽ vừa giúp cho thương hiệu cần cù, khéo tay của người Việt Nam một lần nữa được khẳng định.
(Nguồn: Báo Lao động)