Bánh đập – đặc sản giá rẻ tại miền Trung hấp dẫn thực khách bởi hương vị độc đáo, kết hợp giữa bánh tráng nướng và bánh ướt.
Đi dọc các tỉnh ven biển miền Trung, từ Quảng Nam đến Khánh Hòa, du khách có thể dễ dàng tìm thấy và thưởng thức một đặc sản dân dã nhưng không kém phần nổi tiếng. Đó chính là bánh đập. Sở dĩ có tên gọi độc đáo như vậy là vì muốn thưởng thức món ăn này, du khách phải đập “mỏi tay”.
Bánh đập là món ăn có sự kết hợp tinh tế giữa lớp bánh ướt bên trong và phần bánh tráng (bánh đa) nướng bên ngoài. Tùy từng nơi và khẩu vị mỗi người mà nhân bánh được chế biến theo các nguyên liệu khác nhau. Đơn giản nhất là nhân mỡ hành, cầu kỳ hơn là nhân tôm thịt băm kèm ruốc khô xay nhuyễn,…
Tuy là món ăn dân dã, không cần nhiều nguyên liệu nhưng món bánh đập cũng đòi hỏi quá trình chế biến tỉ mỉ, kỳ công, nhất là phần bánh ướt được làm từ bột gạo. Gạo phải ngâm trong nhiều tiếng đồng hồ rồi xay nhuyễn lấy bột làm bánh.
Chị Hạnh – chủ một quán ăn phục vụ món bánh đập ở thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) cho biết, bột gạo trước khi đem đi tráng sẽ được pha với nước. Công đoạn này phải thực hiện theo tỉ lệ chuẩn để bột không bị loãng hay đặc quá. Khi tráng, phải khuấy bột đều tay mới thu được lớp bánh ướt trắng ngà, mềm dẻo.
Theo chị Hạnh, để bánh ướt ngon và nóng hổi, người ta phải chuẩn bị nồi hơi, giữ nóng ở mức nhiệt thích hợp. Trước khi đổ bột, thoa một lớp nước lọc cho phần vải thấm mềm, thoáng hơi để bột không bị dính lại.
Khi khách gọi món, người bán mới bắt đầu làm bánh, thoăn thoắt múc bột rồi dàn đều trên miếng vải bọc nồi hơi và đậy nắp lại. Cách làm này tương tự như cách làm món bánh cuốn ở miền Bắc. Chờ khoảng 30 giây đến một phút, bánh chín, người ta khéo léo dùng que tre mỏng dỡ bánh lên.
Bánh ướt nóng hổi được trải lên mặt bánh tráng nướng, cho thêm nhân gồm chút thịt băm, tôm và mỡ hành rồi gập đôi lại. Để thưởng thức, thực khách lấy tay đập nhẹ, vừa làm bánh vỡ thành nhiều phần nhỏ vừa ăn, vừa khiến miếng bánh đa dính chặt vào lớp bánh ướt bên trong.
Bánh đập có thể ăn kèm với mắm nêm sền sệt hoặc nước mắm pha chua ngọt. Mỗi loại nước chấm lại có hương vị riêng, tùy khẩu vị và sở thích của thực khách.
Trung bình mỗi ngày, quán ăn của chị Hạnh có thể phục vụ tối đa 200 suất bánh đập. Cuối tuần hoặc dịp lễ, lượng khách ăn đông hơn, gia đình 4 thành viên của chị phải làm việc luôn tay luôn chân, bán hết cả 500 suất.
Chị Thảo Nguyên (du khách đến từ TPHCM) cho biết, mỗi lần có dịp ghé thăm miền Trung đều thưởng thức món bánh đập trứ danh. “Bánh đập tuy dân dã nhưng ăn lạ miệng, âm thanh giòn rụm khá vui tai. Giá thành của món ăn này lại bình dân nên ai cũng có thể thưởng thức. Có lần, mình ăn hết 2-3 chiếc mới thỏa cơn thèm. Ngoài loại nhân mỡ hành truyền thống, bạn có thể gọi thêm nhân trứng trần với bánh ướt hoặc nhân tôm, thịt băm kèm ruốc khô,…”, chị Nguyên chia sẻ.
Bánh đập ngon nhất khi ăn nóng. Phần bánh tráng giòn rụm kết hợp lớp bánh ướt mềm mịn cùng nhân mỡ hành, tôm thịt đậm đà khiến thực khách mê mẩn, cảm nhận trọn vẹn hương vị món ăn bằng nhiều giác quan.
Mỗi suất bánh đập khá rẻ, khoảng 10.000 – 15.000 đồng tùy theo số lượng và loại nhân ăn kèm. Trong khi ăn, du khách còn được chứng kiến quá trình làm bánh khéo léo của người đầu bếp, tạo thêm trải nghiệm thú vị về món ăn.
Phan Đậu