Đưa văn hóa ẩm thực Việt thành tài sản quốc gia

0
1348

Ẩm thực là một trong những thế mạnh của du lịch Việt Nam. Du khách quốc tế luôn đánh giá cao ẩm thực Việt Nam, do đó ẩm thực hứa hẹn sẽ là một tài sản lớn, nguồn lực tạo ra các sản phẩm du lịch, tạo ra lợi thế cạnh tranh của du lịch Việt Nam.

Những món ăn dân dã như bún thịt nướng, chả giò, bánh bột lọc… của Việt Nam luôn cuốn hút du khách nước ngoài. Ảnh: Hoàng Tuyết

Ngành du lịch cũng đã có những động thái nhất định để thu hút khách quốc tế và mang lại nguồn lợi cho đất nước. Bởi những người làm du lịch hiểu rõ ẩm thực không chỉ đáp ứng nhu cầu ăn uống của du khách mà còn giới thiệu đến du khách những nét đặc trưng của bản sắc văn hóa dân tộc. Ẩm thực chính là cách quảng bá nhanh nhất hình ảnh một đất nước và một nền văn hóa…

Du khách thích thú tìm hiểu ẩm thực Việt

Trong báo cáo về xu hướng du lịch năm 2017, Virtuoso – mạng lưới toàn cầu của các đại lý du lịch hạng sang nhận định: Thời gian tới, du lịch ẩm thực sẽ phát triển mạnh mẽ, đi vào chiều sâu với những tour ẩm thực thực sự. Tâm lý du khách khi đi đến bất cứ đâu, họ không chỉ muốn thưởng thức hương vị của món ăn địa phương mà còn muốn dùng bữa theo cách của người dân bản địa.

Biết đến món ăn Việt Nam trên nhiều phương tiện thông tin quốc tế cũng như hoạt động quảng bá xúc tiến của ngành du lịch nước ta, hiện nay cũng đã có nhiều du khách quốc tế đang có xu hướng đặt tour du lịch kết hợp ẩm thực. Những du khách này vừa muốn học cách chế biến một số món ăn Việt Nam, vừa mong muốn tìm hiểu văn hóa mỗi vùng miền trên cơ sở trải nghiệm về ẩm thực.

Đáp ứng nhu cầu khách quốc tế, nhiều đơn vị lữ hành có uy tín đã xây dựng sản phẩm du lịch kết hợp ẩm thực, tăng trải nghiệm về văn hóa ẩm thực cho du khách quốc tế. Đó cũng là một cách thức hiệu quả, tạo sự đa dạng cho sản phẩm du lịch Việt Nam. Tham gia những tour du lịch như thế này, du khách được đầu bếp thông tin chi tiết về món ăn, dưới sự hướng dẫn của đầu bếp, các du khách được trực tiếp ra chợ mua thực phẩm, chọn lựa gia vị đúng chuẩn. Sau đó, du khách tiếp tục được đầu bếp hướng dẫn cách chế biến thực phẩm, tẩm ướp gia vị theo đúng phong cách từng vùng miền và nấu món ăn đó…

Các tour ẩm thực đường phố ở Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng thu hút nhiều khách quốc tế tham gia. Với giá tour vài chục USD, du khách được dẫn đi thăm thú một vài nơi bằng xe máy rồi ghé các quán ăn nổi tiếng của dân địa phương. Du khách có thể “lê la” ở những “con đường ăn vặt” để thưởng thức món ngon. Nếu không muốn tham quan, khách có thể chọn tour thuần túy ẩm thực; nếu không đi xe máy khách có thể đi bằng taxi. Mỗi tour có thể kéo dài khoảng 4 giờ, những việc lựa chọn món ăn và địa điểm thì tùy theo mỗi đơn vị bán tour. Có những đơn vị không chọn lựa giới thiệu những món đã quá phổ biến như bánh mì, phở hay chả giò…; các quán được lựa chọn cũng không nằm trong những con phố ẩm thực nổi tiếng mà chọn đưa khách đi ăn vỉa hè thực sự…

Theo phản ánh của Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist, nhiều du khách của hãng tham gia những lớp học nấu ăn trong chương trình tour rất chú tâm chứ không đơn thuần là chỉ xem cho biết. Nhiều du khách sẵn sàng bỏ thời gian để học nấu một món ăn địa phương. Khi đi tour trong thành phố, có khách còn yêu cầu xe dừng lại, cho họ bước xuống vỉa hè tận mắt xem cách người dân châm trà, pha cà phê sáng và ngồi uống cà phê trên những chiếc ghế lúp xúp ở vỉa hè, đúng kiểu của “người Sài Gòn”.

Ở Hà Nội, loại hình du lịch ẩm thực đã được quan tâm với sự ra đời của ngày nhiều khu phố ẩm thực, như Tống Duy Tân, Cấm Chỉ; các nhà hàng phục vụ khách du lịch nằm trong khu phố cổ như Tạ Hiện, Mã Mây, Đồng Xuân, Cầu Gỗ… Tại khách sạn cao cấp của Hà Nội đều có nhà hàng châu Á luôn phục vụ những món ăn tiêu biểu của Thủ đô.

Các công ty lữ hành quốc tế cũng chú trọng việc đưa khách đến các nhà hàng đặc sản Hà Nội, thậm chí tạo điều kiện cho du khách học nấu ăn cùng với các đầu bếp uy tín. Nghị quyết về “Phát triển du lịch Thủ đô giai đoạn 2016 – 2020 và những năm tiếp theo” cũng đã nêu rõ Hà Nội cần có kế hoạch, dự án, đề án cụ thể nhằm xây dựng và hoàn thiện các sản phẩm du lịch, trong đó có du lịch ẩm thực…

Cùng hành động để ẩm thực Việt phát triển đúng tầm

Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết: Du lịch Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ, rất cần có những sản phẩm mới, hấp dẫn để tăng khả năng cạnh tranh, thu hút khách. Ẩm thực là một sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn nhưng thực sự chưa được phát triển đúng tầm…

Thực khách nước ngoài khám phá khu chợ dưới lòng đất tại khu B Công viên 23/9 (quận 1, TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Hoàng Tuyết

Do đó, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã cho ra đời Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát triển Ẩm thực Việt Nam nhằm xây dựng, tổ chức các chuyên đề nghiên cứu một số món ăn đặc trưng của Việt Nam nhằm giới thiệu và quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam; định chuẩn món ăn cho các sự kiện quốc gia đồng thời lựa chọn ẩm thực phục vụ quảng bá, thu hút khách du lịch theo từng phân khúc…

Bên cạnh đó, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng thành lập Hội Đầu bếp Việt Nam nhằm hỗ trợ, động viên, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các đầu bếp sáng tạo, tận tụy hơn với nghề để có những món ăn ngon, hấp dẫn; tạo ra những sự kiện về ẩm thực để thu hút khách cả trong và ngoài nước đến với các điểm đến của du lịch Việt Nam.

Bên cạnh đó, tháng 10/2017, Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam đã chính thức ra đời, góp thêm tiếng nói, hành động nhằm tôn vinh và phát triển hơn nữa tinh hoa ẩm thực Việt Nam. Hiệp hội cũng là nơi tập hợp các nhà nghiên cứu, chuyên gia ẩm thực chung tay xây dựng ẩm thực Việt trở thành thương hiệu mạnh của Việt Nam; quảng bá hiệu quả, thúc đẩy ngành ẩm thực nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung phát triển xứng tầm với tiềm năng sẵn có, vươn ra hội nhập quốc tế được tốt nhất…

Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam Nguyễn Quốc Kỳ, cho hay: Trên đất nước ta hiện có khoảng 200.000 – 300.000 quán ăn và khoảng 15.000 – 20.000 nhà hàng thuần Việt tại nhiều quốc gia ở khắp các châu lục. Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam bằng những hành động cụ thể sẽ khám phá, duy trì và phát triển để đưa văn hóa ẩm thực trở thành tài sản quốc gia vào năm 2030, xây dựng các kinh đô, thủ phủ và bảo tàng ẩm thực, quảng bá xúc tiến…để tạo ra một nền ẩm thực chuyên nghiệp.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ cũng nêu rõ: Khi đã trở thành thương hiệu quốc gia, ẩm thực sẽ tác động rất lớn đến kinh tế, nhất là du lịch bởi phần ăn uống, dịch vụ chiếm đến 70% doanh thu của ngành. Phát huy thế mạnh sẵn có của ẩm thực không chỉ đóng góp vào phát triển du lịch, xây dựng hình ảnh quốc gia mà còn là cách thiết thực giúp người nông dân tiêu thụ nông sản, tăng giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp… Mặt khác, việc tiêu thụ nông sản của nông dân theo hướng bền vững cũng là biện pháp hiệu quả kiểm soát an toàn thực phẩm, đảm bảo chất lượng thực phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách quốc tế…

Với sự vào cuộc, cố gắng không ngừng của nhiều đơn vị, tổ chức và cả các doanh nghiệp trong ngành du lịch, hy vọng rằng trong tương lai không xa giá trị ẩm thực Việt Nam sẽ sớm lan tỏa ra toàn thế giới.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây