Lạ miệng với món ăn vùng quê đất cảng – cháo khoái Hải Phòng

0
377
chao-hai-phong
chao-khoai-hai-phong

Hải Phòng nơi thành phố cảng nổi tiếng với nền văn hóa ẩm thực phong phú như bánh đa cua, bánh mỳ cay, nem cua bể,… Đặc biệt, chúng ta không thể bỏ qua một món ăn dân dã gắn liền với tuổi thơ của người dân đất Cảng – Cháo khoái. Cháo khoái là một món ăn bình dị, phù hợp với khẩu vị của cả người lớn và trẻ nhỏ.

Những cốt yếu làm nên bát cháo khoái trứ danh Hải Phòng

1.     Gạo tẻ giàu chất dinh dưỡng tạo nên độ sánh mịn cho cháo

Cháo khoái không được nấu từ gạo nguyên hạt. Để nấu được cháo khoái, người ta phải chọn loại gạo tẻ thơm, đem đi xay thành bột mịn, khi ấy, cháo không những sẽ sánh dẻo mịn màng mà còn có mùi thơm dễ chịu của gạo tẻ được rang xay kỹ càng.

Với Việt Nam nói riêng và các nước châu Á nói chung, gạo tẻ là loại lương thực quan trọng không thể thiếu trong những bữa ăn hàng ngày. Gạo tẻ có tính mát, vị ngọt, vì thế khi dùng gạo nấu cháo sẽ giúp giải cảm, tránh mất nước.

chao-khoai-1
Ảnh lotus.vn

Loại gạo tẻ này có rất nhiều dưỡng chất quan trọng có tác dụng chống lại quá trình thâm nhập của vi khuẩn, tăng sức đề kháng, cung cấp dinh dưỡng và lượng calo cần thiết cho cơ thể, trị chứng táo bón, dạ dày, dưỡng âm ích kí và kích thích tiết dịch vị hỗ trợ hệ tiêu hóa.

2.     Rau ngót – thuốc quý của người Việt làm nên món cháo đặc sản

Cháo khoái hấp dẫn người dùng không chỉ bằng hương vị thơm ngon, mà còn do sắc xanh đẹp mắt và giá trị dinh dưỡng của nó. Người ta dễ ấn tượng với màu xanh lá mát rượi của cháo, được nhuộm hoàn toàn từ lá rau ngót tươi, một loại rau đã quá quen thuộc với người Việt.

Rau sau khi được rửa sạch, đem đi giã hoặc xay nhuyễn và chắt lấy nước để nấu cháo. Nhờ vậy cháo khoái còn có mùi vị rất riêng, không lẫn với các loại cháo khác.

Rau ngót chứa nhiều protein, các vi chất dinh dưỡng với hàm lượng rất cao như canxi, sắt, magie, vitamin A, C, B1, B2, B6, chất xơ, rất tốt cho người già và trẻ nhỏ. Rau ngót được dùng để thanh nhiệt, hạ sốt, trị ho, ngừa táo bón.

chao-khoai-2
Ảnh www.bachhoaxanh.com

Ngoài ra, inulin trong rau làm chậm quá trình hấp thụ đường, lượng sinh nhiệt cũng chỉ bằng 1/9 chất béo, trong rau lại giàu chất xơ, protein, ít gluxit và chất béo. Do vậy, rau ngót xuất hiện khá nhiều trong thực đơn dành cho người muốn giảm cân và người điều trị đái tháo đường.

3.     Từ xa xưa, nước ninh xương được dùng như một loại thuốc để chữa bệnh

Tăng cường sức khỏe bởi trong quá trình hầm với nước, các chất dinh dưỡng quan trọng trong xương như canxi, photpho và collagen sẽ bị phá vỡ và giải phóng ra ngoài.

Về mặt dinh dưỡng, tất cả những khoáng chất có nguồn gốc từ xương rất dễ hấp thu. Không chỉ vậy, trong xương còn chứa nhiều collagen và các hợp chất có khả năng kháng viêm hiệu quả.

chao-khoai-3
Ảnh phunutoday.vn

4.     Thơm thảo ngọt bùi từ đậu xanh và hành phi

Bát cháo khoái không thể thiếu đậu xanh tách vỏ hấp chín tán nhuyễn, vo thành những viên lớn. Múc cháo ra rồi dùng dao xắt lát đậu xanh vào tô theo tỉ lệ “3 cháo 1 xanh”, sau đó thêm thật nhiều hành phi vào. Ăn cháo khoái là phải thế! Tốn hành tốn đậu nhưng hương vị thì quyện mãi vào lòng người, ăn tới đâu “khoái” tới đó, đúng như tên gọi của nó.

chao-khoai-6
Ảnh Internet

Các bước nấu cháo khoái vô cùng thơm ngon và bổ sung dinh dưỡng cho gia đình tại nhà

  • Chuẩn bị nguyên liệu

6 phần ăn

180 g gạo tẻ

700 g sườn sụn

Muối, giấm để rửa sườn

200 g đậu xanh sát vỏ

Bột canh, nước mắm vừa đủ

1 bó rau cải bó xôi (hoặc lá dứa, rau ngót)

Hành phi vừa đủ

  • Các bước nấu cháo khoái

chao-khoai-hai-phong
Ảnh camnanghaiphong.vn

Bước 1:

Vo sạch gạo. Cho nước sạch vào ngâm từ 8-12h cho gạo nở mềm.

Bước 2:

Cho đậu xanh vào chõ hấp với ít muối. Khi chín thì dùng muôi nghiền nhuyễn rồi nắm lại thành từng nắm. Bọc kín lại, tránh bị khô.

Bước 3:

Rau ngót rửa sạch, cắt nhỏ sau đó cho 150ml vào xay nhuyễn, lọc lấy nước cốt.

Bước 4:

Cho nước, 3g muối và 2 thìa canh giấm vào nồi đun sôi cho sườn ra hết bọt, bẩn. Tắt bếp rồi rửa sườn bằng nước lạnh cho sạch. Cho 1,5l nước lã vào ninh sườn với nồi áp suất cho nhừ.

Bước 5:

Dùng máy sinh tố xay nhấp, thả cho đến khi gạo xay thành nước, phần nước đọng lại còn tí xíu bột là được. Nếu còn nhiều bột thì bạn nên cho thêm nước vào xay cho hết phần bột đó là ok.

Bước 6:

Lấy sườn đã ninh nhừ ra để gỡ lấy thịt. Gạn lấy phần nước trong của xương, thêm phần nước gạo vừa xay, nước cốt lá dứa (100ml)& thịt sườn vào rồi cho lên bếp khuấy liên tục ở lửa vừa.

Bước 7:

Khi cháo sôi thì cho 1 thìa canh bột canh vào, vặn lửa nhỏ. Đun thêm 5’ để trên bếp, nêm gia vị lại cho vừa miệng. Cứ để yên lửa nhỏ, ninh 30’-45’ cho cháo chín kỹ. Bạn có thể điều chỉnh độ loãng của cháo bằng cách thêm bột gạo tẻ hoặc bột gạo nếp khuấy với nước lạnh cho tan rồi cho vào nồi cháo, khuấy đều. Nếu đặc thì cho nước xương vào.

Bước 8:

Khi ăn thái nhỏ nắm đỗ & rắc hành phi lên.

chao-khoai
Ảnh cookpad.com

Cháo khoái không chỉ dễ ăn, mà còn ngon, lại còn rất phù hợp với mùa thu đông. Bởi thế mà trong những ngày se lạnh, các hàng cháo khoái ở Hải Phòng thường rất đông khách lắm. Chúc bạn thành công với món cháo khoái cùng công thức làm tại nhà nhé!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây