Đến Bình Định thưởng thức quốc tửu rượu bàu đá nức tiếng

0
334

Bình Định xưa nay không chỉ nổi tiếng là một vùng đất võ mà còn nổi tiếng với nét ẩm thực độc đáo, say lòng người. Một trong những đặc sản của vùng đất võ chính là rượu Bàu Đá. Rượu Bàu Đá đã từng được nhà thơ Nguyễn Duy phong là “Đệ nhất tửu” sau khi ông vào tận nơi để thưởng thức.

Thật không ngoa khi nói rằng đây là “thiên hạ đệ nhất danh tửu”, bởi mùi vị của loại rượu này không nơi nào có thể sánh bằng.

Ảnh: vietnam-tourism.com

RƯỢU BÀU ĐÁ CÓ TỪ ĐÂU?

Rượu Bàu Đá là sự cộng hưởng của nhiều nhân tố. Đầu tiên đó là sự thừa hưởng dòng nước ngọt ngào của ngọn nguồn sông Kôn được ủ lạnh, lọc trong từ những hộc đá ngầm ở Vực Bà, Nước Miên, Nước Trinh, sông Kxôm, Hầm hô…Tiếp đến là sự khéo léo, cần mẫn của con người vùng “đất võ trời văn”. Sự cộng hưởng giữa thiên nhiên và tài hoa con người đã tạo nên thứ rượu đậm đà. Cái tên rượu Bàu Đá như một câu chuyện dân gian kể mãi theo thời gian, nhưng lại bắt đầu từ xóm “Tân Long”.

Xóm có tên gọi Tân Long, (thôn Cù Lâm, xã Nhơn Lộc, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định), tại xóm Tân Long có một cái bàu rộng khoảng 3 sào của ông xã Lựu, trong bàu có nhiều hòn đá to, hằng năm ông xã Lựu tổ chức một ngày giậy bàu vào mùa hè, mọi người gần xa về đây bắt cá đông vui, ai bắt bao nhiêu cá cũng được, ông xã Lựu chỉ lấy một con gọi là “xâu”, vì vậy đã trở thành ngày hội bắt cá định kỳ ở cái bàu có đá xóm Tân Long và được dân gian gọi là xóm Bàu Đá. Từ khi xóm Bàu Đá nấu rượu và phát triển kinh doanh nghề rượu người ta lấy tên xóm Bàu Đá đặt cho tên rượu gọi là “rượu Bàu Đá”.

Ảnh: Chả ra tôm đất

Ảnh: dulichbinhdinh.com.vn

CÁCH NẤU RƯỢU BÀU ĐÁ

Muốn nấu được một mẻ rượu Bàu Đá chính gốc của người xứ Nấu đòi hỏi bạn phải tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu và chỉ tiêu về gạo, nước, men và có đầy đủ các dụng cụ nấu cộng với một số bí quyết gia truyền được gìn giữ từ nhiều năm. Quy trình nấu rượu cũng mất rất nhiều thời gian và vô cùng kỳ công, đòi hỏi người nấu phải có kiên trì, chịu thương, chịu khó. Thường sẽ mất khoảng 6 ngày để hoàn thành tất cả các công đoạn nấu và tạo ra được một mẻ rượu Bàu Đá thơm ngon.

Cách nấu rượu Bàu Đá của người xứ Nẫu:

Bước 1:

Đầu tiên, bạn cần phải chọn gạo, nếp hoặc đậu xạnh (tùy vào loại rượu muốn nấu). Mỗi mẻ rượu sẽ cần khoảng 7,2kg gạo.

Bước 2:

Sau đó, đem gạo đi nấu thành cơm và để nguội. Tiếp theo sẽ trộn cơm cùng với men ủ trong một cái xô nhựa. Đợi sau 3 ngày, khi thấy cơm đã bắt đầy dậy mùi thơm thoang thoảng của men rượu thì chi khoảng 16 lít nước giếng trong vào ủ tiếp khoảng 2 ngày.

Bước 3:

Sau cùng bạn sẽ cho cơm rượu vào nồi và đun liên tục trong vòng 5 tiếng. Rượu sẽ được chưng cất trong ống tre và nối từ nồi nấu sang một nồi ngưng tụ khác. Một mẻ nấu như thế có thể tạo ra khoảng 4 lít rượu nguyên chất Bàu Đá.

Ảnh: Rượu bầu đá Năm Phượng

Nghe sơ qua cách làm thì thấy có vẻ khá đơn giản và dễ dàng, tuy nhiên để có được một mẻ rượu đúng chuẩn đòi hỏi rất nhiều yếu tố, nếu sơ suất bất kỳ công đoạn nào cũng có thể làm cho hương vị của rượu bị khác đi.

Để có được những lít rượu thơm ngon cần phải đảm bảo các yếu tố như nguyên liệu chọn lựa đúng chuẩn, kỷ thuật nấu cơm, men rượu phải là men Bình Hóa, Đập Đá, Bả Cảnh, tránh chọn các loại men bột hoặc men Trung Quốc, sử dụng tỷ lệ cơm và men thật chuẩn, kỷ thuật ủ khô, đảm bảo nguồn nước giếng có mạch ngầm của giếng đá ong, giếng bộng đất nung. Một kỷ thuật vô cùng quan trọng đó chính là kỷ thuật đun lửa, cần phải đun lửa nhỏ đều sau cho cơm rượu sôi sủi bọt lăn tăn.

Ngoài ra, thời tiết cũng là một yếu tố khách quan quyết định độ ngon của mẻ rượu. Thường những mẻ được hoàn thành vào khoảng tháng 2 đến tháng 4 âm lịch sẽ ngon hơn là thực hiện vào những mùa nóng bức.

NGHỆ THUẬT THƯỞNG THỨC RƯỢU BÀU ĐÁ ĐÚNG CÁCH

Thưởng lãm rượu Bàu Đá cũng rất cầu kỳ. Rượu đựng trong bầu, chai, nậm phải rót ra bình gọi là ve vòi. Cái ve vòi đựng rượu có câu đố dân gian rằng:

Thượng tiểu, hạ đa (Trên nhỏ, dưới to)

Tích thủy, phi thủy (Đựng nước nhưng không phải nước)

Thọ thai, bất thọ thai (Chửa nhưng không phải chửa)

Ảnh: internet

Rót rượu ra chén cũng có kiểu, có cách:

Ve vòi giơ cao, rót dòng rượu nhỏ ra chén hạt mít sao cho có tiếng kêu róc rách. Vun bọt nhưng rượu không được tràn ra miệng chén. Ngậm một ngụm rượu trong giây lát, uống xong ta thấy đọng lại vị ngọt thanh, mùi thơm…

Về Bình Định mà chưa được thưởng thức món chim mía Tây Sơn; chim se sẻ, nem chợ huyện nhâm nhi với chén rượu Bàu Đá coi như chưa về Bình Định. Rượu Bàu Đá thường được dùng trong những ngày giỗ chạp, lễ nghi, hội hè, đình đám. Nhất là những ngày Tết cổ truyền.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây