QUÝT ĐƯỜNG LONG TRỊ

0
222
Nông dân thu hoạch quýt đường Long Trị

Với chất lượng thơm ngon nhờ trồng trên vùng đất mang tính đặc trưng nên sản phẩm quýt đường Long Trị của tỉnh Hậu Giang, luôn được người tiêu dùng ưa chuộng và ngày càng khẳng định được thương hiệu trên thị trường.

Nhắc đến xã Long Trị thì nhiều người biết đến bởi nơi đây được mệnh danh là tiểu vương quốc quýt đường của tỉnh. Đặc biệt, sản phẩm trái quýt đường đã chiếm được lòng tin của thị trường nhờ chất lượng thơm ngon mà khó nơi nào có được. Theo truyền miệng của những lão nông địa phương, quýt đường Long Trị đã bén rễ tại đây hơn 70 năm nay. Từ vài héc-ta ban đầu, nay diện tích trồng quýt đường ở xã Long Trị đã tăng hơn 100ha. Nhiều nông dân đang gắn bó với cây quýt đường nơi đây cho biết, đây là cây dễ trồng, dễ chăm sóc. Dù thích nghi rộng với nhiều loại thổ nhưỡng và khí hậu khác nhau nhưng tại vùng đất Long Trị lại cho ra sản phẩm mang tính đặc trưng riêng so với các vùng trồng khác.

Theo nhận định từ không ít thương lái khi đến Long Trị mua quýt đường thì dù miền Tây Nam bộ có nhiều vùng trồng quýt nổi tiếng như: Tam Bình (Vĩnh Long), Cái Bè (Tiền Giang), Phong Điền (Cần Thơ), Lai Vung (Đồng Tháp),… Thế nhưng, quýt đường Long Trị vẫn được ưa chuộng bởi sắc màu tươi tắn và hương vị thơm ngon đặc trưng. Tuy không có màu sắc nổi bật như quýt hồng Lai Vung, nhưng khi chín, quýt đường Long Trị có màu vàng chanh khá bắt mắt, da của trái bóng sáng, ruột không bị sượng múi, vị ngọt thanh, mát. Sau khi thu hoạch, trái quýt vẫn để được lâu chứ không nhanh héo hay úng.

Theo phân tích của nhà khoa học sau khi nghiên cứu tại vùng đất nơi đây, nguyên nhân có sự khác biệt và đặc trưng riêng rõ rệt thì yếu tố chính là do vùng đất nơi đây nằm ven sông Cái Lớn với lượng phù sa bồi đắp quanh năm, đất đai màu mỡ, thích hợp cho sự phát triển của cây ăn trái, nhất là quýt đường và hệ thực vật của vùng đất ngập nước của tỉnh Hậu Giang rất đa dạng, các loài thuộc hệ sinh thái nông nghiệp phát triển tốt.

Chính sự thơm ngon, thị trường ưa chuộng nên mô hình trồng quýt đường được nhân rộng thành những vườn cây rộng lớn không chỉ ở Long Trị mà còn ở nhiều vùng khác của tỉnh như huyện Long Mỹ, huyện Châu Thành, thành phố Vị Thanh,…. Đặc biệt, đầu năm 2014, nhãn hiệu tập thể “Quýt đường Long Trị” đã được Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Quýt đường Long Trị” với chủ sở hữu là Hợp tác xã (HTX) Quýt đương Long Trị. Sự kiện này thật sự là một vinh dự, bởi tài sản trí tuệ này, cụ thể là nhãn hiệu tập thể sẽ có những đóng góp tích cực vào hiệu quả cho sự phát triển kinh tế – xã hội mà không phải sản phẩm nào, địa phương nào cũng có thể được cấp, đây còn được xem là một giấy thông hành để sản phẩm Quýt đường Long Trị vươn lên đáp ứng được yêu cầu hội nhập vào thị trường của vùng ĐBSCL, cả nước và có thể xuất khẩu ra nước ngoài, góp phần quảng bá tên tuổi của địa phương đến đông đảo khách tham quan, du lịch trong và ngoài nước.

Không dừng lại đó, được sự quan tâm của các cơ quan, ban, ngành, địa phương, đầu năm 2019 dự án “Quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Quýt đường Long Trị” cho sản phẩm quýt đường của tỉnh Hậu Giang” được thực hiện với cơ quan chủ trì Trung tâm Tư vấn Phát triển Thương hiệu Việt Nam, nhằm mục đích xây dựng công cụ quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Quýt đường Long Trị’ ngày càng vững mạnh.

Ông Nguyễn Văn Út, Giám đốc HTX Quýt đường Long Trị, ở ấp 8, xã Long Trị , thị xã Long Mỹ, cho biết: “Từ khi dự án được triển khai, sản phẩm quýt đường mang nhãn hiệu tập thể thì thị trường tiêu thụ mạnh hơn trước rất nhiều. Đặc biệt, giá bán của trái quýt đường trong nhiều năm qua luôn ở mức cao hơn so với những mặt hàng trái cây khác. Cụ thể, giá bán được thương lái cân tại vườn dao động từ 40.000 – 60.000 đồng/kg, riêng những tháng hút hàng thì giá tăng thêm 10.000 – 20.000 đồng/kg, từ đó tạo nguồn lợi nhuận hấp dẫn cho nhà vườn nơi đây”.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Út, dù có giai đoạn cây quýt đường bị bệnh vàng lá gân xanh tấn công khiến nhiều nhà vườn phải đốn bỏ với diện tích lớn. Thế nhưng, sau nhiều năm, những vườn quýt đường Long Trị đã được khôi phục và dần khẳng định thương hiệu nhờ chất lượng trái thơm ngon, phong trào trồng quýt đường ở Long Trị lại phát triển mạnh. Thị trường tiêu thụ tại các khu vực trong và ngoài tỉnh trở nên thuận lợi hơn với sản lượng hàng ngàn tấn quýt mỗi năm, mỗi nhà vườn Long Trị có thể thu lãi hàng trăm triệu đồng.

Cùng với yếu tố nhãn hiệu tập thể, để nâng cao giá trị cho sản phẩm quýt đường Long Trị thì theo nhận định của người trồng quýt, trong quá trình canh tác, nhà vườn nơi đây luôn tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp về sản xuất theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm để tạo ra sản phẩm sạch cho thị trường. Minh chứng là sản phẩm quýt đường Long Trị đã đạt nhiều giải thưởng tại các hội thi trái cây ngon được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành trong khu vực. Ông Nguyễn Văn Út, Giám đốc HTX Quýt đường Long Trị, ở ấp 8, xã Long Trị, cho biết thêm: “Hiện tất cả các thành viên HTX đều được tập huấn, nâng cao kỹ năng kiến thức trong canh tác quýt đường theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ vậy, HTX có hơn 20ha đất sản xuất quýt đường được công nhận VietGAP và đạt sản lượng 500 tấn/năm”.

Quýt đường Long Trị đã và đang là cây trồng có giá trị kinh tế cao, đem lại thu nhập ổn định cho nông dân tỉnh Hậu Giang. Vì vậy, địa phương và người dân nơi đây đang ra sức giữ gìn, phát triển loại cây trồng này theo hướng chất lượng, bền vững để trở thành một trong những loại cây ăn trái chủ lực cho tỉnh nhà. Có thể thấy, hiện nay, quýt đường Long Trị không những góp phần cải thiện đời sống kinh tế cho người dân địa phương, mà còn mở ra thêm sự lựa chọn để chuyển đổi những diện tích còn bỏ trống hoặc những diện tích vườn tạp, vườn kém hiệu quả. Theo đó, để giữ gìn và nâng cao chất lượng quýt đường Long Trị thì một trong những giải pháp trọng tậm đang được ngành chức năng tỉnh thực hiện là liên kết với cơ quan chuyên môn (Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại Thành phố Hồ Chí Minh) mở các lớp tập huấn cho cán bộ, người dân vùng quýt đường về hệ thống quản lý và chiến lược phát triển nhãn hiệu tập thể “Quýt đường Long Trị” của tỉnh Hậu Giang.

Ông Trần Giang Khuê, Văn phòng phía Nam Cục sở hữu trí tuệ, nhận định: Thực tế cho thấy, việc được cấp nhãn hiệu tập thể Quýt đường Long Trị trong thời gian qua đã góp phần rất lớn trong việc giúp gia tăng tính cạnh tranh của sản phẩm Quýt đường Long Trị và mở rộng thị trường tiêu thụ, từ đó giúp tăng thu nhập cho các hộ sản xuất và bảo đảm được đầu ra thường xuyên, tránh tình trạng bị ép giá khi được mùa. Vì vậy, việc ngành chức năng tỉnh và người dân đang tích cực thực hiện các giải pháp giữ gìn và phát triển nhãn hiệu tạp thể “Quýt đường Long Trị” là việc làm cần thiết trước mắt, cũng như lâu dài.

 

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Nguồn: https://tttt.haugiang.gov.vn/c%E1%BB%95ng-th%C3%A0nh-vi%C3%AAn/%C4%91%C3%A0i-th%E1%BB%8B-x%C3%A3-long-m%E1%BB%B9/tin-t%E1%BB%A9c/kinh-t%E1%BA%BF/v%E1%BB%8B-ng%E1%BB%8Dt-qu%C3%BDt-%C4%91%C6%B0%E1%BB%9Dng-long-tr%E1%BB%8B/

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây