Gánh bánh tằm bì 20 năm không đổi vị ở An Giang

0
228

Sợi bánh tằm thấm đẫm trong nước dừa béo, quyện với nước mắm ngọt, xíu mại, chả giò giòn rụm nhai vui miệng.

Bánh tằm bì ăn với nước cốt dừa đậm đà là một trong những đặc sản miền Tây mà bạn nhất định phải thử khi có dịp thăm vùng sông nước. Có rất nhiều tiệm bánh tằm ở An Giang, trong đó gánh hàng hơn 20 năm của cô ngồi gần ngã ba Long Hưng (ngã ba Kim Long), sau lưng trường tiểu học Long Châu, luôn nườm nượp khách mỗi ngày. Quang gánh của cô khá đơn giản, chứa đầy thau đồ ăn kèm dân dã, dễ dàng chiếm cảm tình thực khách nhờ hương vị nhiều năm không đổi.

Thoạt nhìn, bát bánh tằm trông giống một tô bún thịt nướng chả giò nhưng thực chất là những sợi bánh tằm mềm mịn, béo béo làm từ bột gạo và bột năng. Không rõ bánh tằm bì xuất hiện ở An Giang từ bao giờ, người ta chỉ truyền miệng rằng trước đây, tại Tân Châu (An Giang) có món bánh sùng, cọng ngắn khoảng một tấc (10 cm), được xếp trên lá chuối, chan nước mắm và nước cốt dừa, bán cho người lao động. Sau này, một bà cụ mở lò bún tại đường Thái Lập Thành (cũ), nay là đường Nguyễn Tri Phương, bà dựa vào cách làm bánh sùng truyền thống nhưng biến tấu thành cọng dài hơn, gọi là bánh tằm theo tên xứ lụa Tân Châu.

Bên cạnh sợi bánh tằm thì bì heo là thứ không thể thiếu, góp phần tạo nên tên gọi của món ăn. Da heo xắt bằng máy thành sợi nhỏ, mảnh, giòn, trộn đều với thịt nạc heo thái sợi, gia vị…

Bánh ăn kèm những viên xíu mại làm từ thịt heo nấu theo kiểu người Hoa tại An Giang. Viên xíu mại nhỏ, thơm đựng trong nồi lẩu có lỗ ở giữa để bỏ than nhằm giữ nóng. Nước xíu mại cũng dùng để chan lên đĩa bánh tằm.

Những chiếc chả giò chiên vàng trong chảo ngập dầu, giòn rụm nhai đã miệng.

Linh hồn của món ăn nằm ở nồi nước cốt dừa béo ngậy nấu trên lửa nhỏ liu riu, thêm chút muối, đường, bột năng (hoặc bột bắp) cho độ sền sệt, vị mặn, ngọt, béo hấp dẫn.

Khi có khách gọi món, người bán hàng cho rau thơm, giá vào đầu tiên, sau đó đến bánh tằm, bì heo, xíu mại, chả giò, đồ chua, nước mắm ngọt và cuối cùng là chan nước cốt dừa lên trên.

Thêm một muỗng ớt xay tạo vị the the. Bánh tằm bì là sự kết hợp khá thú vị giữa vị mặn của mắm và vị ngọt của bánh lẫn chút béo béo của nước cốt dừa gây ấn tượng với người lần đầu nếm thử. Ngoài ra, tại các gánh bánh tằm, bạn có thể gọi bánh mì xíu mại nhâm nhi nếu thích.

 

Vi Yến
Ảnh Thanh Bùi

Nguồn: https://ngoisao.vnexpress.net/ganh-banh-tam-bi-20-nam-khong-doi-vi-o-an-giang-4355923.html

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây