Các bước cần chuẩn bị cho bé đi nhà trẻ

0
762
be-di-nha-tre-2
Ảnh: thegoldbeehive.edu.vn

Cho bé đi nhà trẻ là một trong những quyết định quan trọng của các mẹ trong những năm đầu đời. Việc chuẩn bị cho con và bố mẹ trước khi bắt đầu đi học là việc làm cần thiết. Nó sẽ giúp tâm lý cả của con và bố mẹ trở lên vững vàng hơn. Và hôm nay chúng tôi sẽ chia sẻ những kinh nghiệm thực tế để giúp đỡ bố mẹ vượt qua quá trình chuẩn bị này.

be-di-nha-tre-1
Ảnh: vn.theasianparent.com

Lợi ích và bất lợi của việc cho bé đi nhà trẻ

1. Lợi ích khi bé đi nhà trẻ

Tương tác xã hội là kỹ năng lớn nhất bé có thể học khi đi nhà trẻ, bé phải học cách để tương tác với người xung quanh, chẳng hạn:

♦ Kĩ năng lắng nghe người khác hay giúp đỡ lẫn nhau. Tương tác với các bạn cùng trang lứa tạo cơ hội cho bé rèn luyện kĩ năng giao tiếp.

♦ Kỹ năng đọc viết: Chương trình giáo dục mầm non cung cấp tất cả các kỹ năng đọc viết cần thiết, bé sẽ được học những kiến thức cơ bản như bảng chữ cái, các kỹ năng toán học, và những kiến thức cơ bản khác.

♦ Làm quen với việc đi học: Đi nhà trẻ là bước đệm để bé làm quen với việc đến trường sau này, hình thành ý niệm về “đi học”. Các bé đi nhà trẻ sẽ dễ dàng thích nghi với môi trường tiểu học hơn.

♦ Giúp bé phát triển theo đúng lứa tuổi: Nhà trẻ cung cấp không gian để bé có thể học tập những hành vi phù hợp với lứa tuổi, giúp bé phát triển ý thức về bản thân và tính độc lập. Bé sẽ không phải mất nhiều thời gian để điều chỉnh cho phù hợp với các bạn cùng trang lứa, về môi trường lớp học hay những bài học bé sẽ được học khi đến trường.

♦ Bé được làm quen với nhiều hoạt động: Môi trường đi học sẽ cho bé nhiều niềm vui, vì bé yêu sẽ luôn “bận rộn” ở trường. Khi đó các bậc cha mẹ cũng sẽ có chút thời gian cho riêng mình. Chắc hẳn đó là những giây phút thảnh thơi đáng quý của bất kỳ người mẹ nào.

be-di-nha-tre-2
Ảnh: thegoldbeehive.edu.vn

2. Những hạn chế bé có thể gặp phải khi đi nhà trẻ

Có một số điều mẹ cần lưu ý trước khi quyết định cho bé đi nhà trẻ. Việc lựa chọn trường học chưa đạt yêu cầu có thể gây cản trở sự phát triển của bé.

Chất lượng hoặc chương trình giảng dạy của giáo viên không được đảm bảo có thể gây tác động xấu đến quá trình học hỏi, khả năng tập trung cũng như thái độ học tập của bé.

Khi không được giám sát chặt chẽ, bé có thể dễ dàng mắc những thói quen tiêu cực. Đây là giai đoạn các bé bắt đầu biết nhận thức về thế giới xung quanh mình, việc tiếp xúc với sự bắt nạt hay bạo lực có thể ảnh hưởng đến tương lai của bé.

Môi trường học tập không khỏe mạnh có thể gây hại khả năng giao tiếp với các bạn đồng trang lứa hoặc với thầy cô giáo thậm chí nó  tiêu diệt sự tò mò của bé đối với việc học. Vì vậy, các mẹ hãy tìm hiểu thật kĩ và hoàn toàn chắc chắn rằng con yêu sẽ được đi học tại nơi có những giáo viên tận tâm với nghề và có chương trình giảng dạy đảm bảo.

Bố mẹ cần chuẩn bị gì?

Trước khi xác định cho con rời xa vòng tay, bố mẹ cần chuẩn bị tâm lý cho chính mình trước tiên. Hãy chấp nhận rằng khi con đến một môi trường mới, ra khỏi vòng an toàn của bố mẹ, chắc chắn con sẽ khóc và ảnh hưởng tới sức khỏe rất nhiều. Nhưng đó là điều tất yếu, con cảm thấy không an toàn với môi trường mới lạ con sẽ khóc, con tới một môi trường sống mới và dễ tiếp xúc với các mầm bệnh con sẽ ốm… Nhưng rồi cho con thời gian để thích nghi con sẽ sớm cân bằng lại, vấn đề chỉ là thời gian mà thôi.

Cho bé làm quen trước với trường mới

Mẹ nên dành ít nhất 2 tuần trước ngày đi học chính thức, dẫn bé đến trường làm quen với cô giáo và các bạn. Mẹ nên dùng ngôn ngữ dễ hiểu, đơn giản, mô tả cho bé về trường lớp, cô giáo. Vài ngày đầu, mẹ có thể chỉ cho bé chơi trong khuôn viên trường. Từ từ cho bé vào lớp và quan sát các hoạt động diễn ra trong lớp. Trong khi đó mẹ dùng từ ngữ miêu tả cho bé hiểu và tạo sự hào hứng cho bé. Nếu bé không thích, nên dừng ngay và đưa bé về nhà. Đừng quá cố ép buộc bé nếu không sẽ phản tác dụng.

be-di-nha-tre-3
Ảnh: thegoldbeehive.edu.vn

Tạo một thời gian biểu mới cho con

Bố mẹ hãy tham khảo trước thời gian biểu ở trường để từ đó sắp xếp cho con làm quen với thời gian biểu đó. Từ giờ ăn, giờ ngủ của con sao cho đồng hồ sinh học của bé bắt nhịp được khi bắt đầu đi học.

Áp dụng thời gian biểu ở nhà giống ở trường học

Thời gian biểu thông thường của các bé học nhà trẻ, mẫu giáo như sau:

– 7h15 – 8h sáng: Giáo viên đón bé

– 8h45 – 9h: Giờ học của các bé

– 10h30: Ăn trưa

– 11h: Giờ ngủ trưa

– 14h30: Bé ngủ dậy và được ăn nhẹ

Các mẹ tham khảo thời gian biểu này để rèn cho con đi ngủ đúng giờ và dậy sớm. Nhờ vậy khi đi học chính thức bé sẽ nhanh thích nghi hơn.

Không lấy cô giáo ra để dọa bé

Đây là lỗi mà nhiều bà mẹ Việt gặp phải nhất. Chúng ta thường có thói quen lấy cô giáo, việc đi học ra để dọa bé mỗi khi bé mắc lỗi hoặc không nghe lời, vô tình khiến cho cô giáo, trường học trở nên khủng khiếp đối với bé.

be-di-nha-tre-4
Ảnh: bikae.net

Trường hợp bé vẫn khóc và sợ đi học

Trong trường hợp bé vẫn khóc và sợ đi học dù đã làm quen trước đó. Mẹ nên tìm hiểu xem lý do bé khóc có phải từ phía nhà trường không. Hãy nói chuyện với bé, hỏi han tại sao bé không thích đi học. Nếu bé chưa trả lời được, mẹ có thể tự trả lời hộ bé, tạo cho bé sự hứng thú. Mỗi ngày đều lặp lại, nói chuyện thường xuyên về lớp học, cô giáo, bé sẽ dần quen và bớt cảm giác sợ hãi khi phải đi học.

Trên đây là một số gợi ý giúp bố mẹ và các con có thể chuẩn bị tốt nhất trước khi cho bé đi nhà trẻ. Hãy cùng nhà trường giúp con mỗi ngày tới trường là một ngày hạnh phúc bố mẹ nhé!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây