Chương trình OCOP: Chắp cánh cho tài nguyên bản địa Đồng Tháp

0
290
Chương trình OCOP, chắp cánh cho tài nguyên bản địa

Chắp cánh cho sản phẩm OCOP

Đồng Tháp có điều kiện tự nhiên, hạ tầng kỹ thuật thuận lợi để phát triển nông nghiệp, du lịch sinh thái và nhiều sản phẩm mang tính đặc trưng của tỉnh được thị trường chấp nhận. Đặc biệt, thời gian qua, Đồng Tháp đã tập trung chỉ đạo mạnh mẽ việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp, đây được xem là những yếu tố thuận lợi để tỉnh bắt tay vào thực hiện chương trình OCOP.

Tuy nhiên, tỉnh cũng phải đối diện với nhiều khó khăn khi một số sản phẩm còn sản xuất nhỏ lẻ, chưa có sự liên kết trong sản xuất tiêu thụ dẫn đến sức cạnh tranh trên thị trường. Khả năng xúc tiến thương mại của cơ sở, doanh nghiệp còn yếu, chưa có chiến lược phát triển sản phẩm…

Nhận diện được thuận lợi và khó khăn, khi bắt tay vào thực hiện chương trình OCOP, tỉnh quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền qua nhiều hình thức. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp, cộng đồng người dân trong tham gia thực hiện chương trình.

Trong giai đoạn 2018 – 2020, tỉnh tập trung chuẩn thực hiện hỗ trợ chuẩn hóa sản phẩm đủ điều kiện chứng nhận sản phẩm OCOP về công nghệ, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc, đăng ký sở hữu trí tuệ, liên kết tiêu thụ… Để sản phẩm thu hút người tiêu dùng, tỉnh phối hợp Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.Hồ Chí Minh hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện câu chuyện sản phẩm nhằm nâng cao tính độc đáo cho sản phẩm, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.

Chắp cánh cho sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng, tỉnh đẩy mạnh thực hiện công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, mở rộng thị trường thông qua việc tham gia các hội chợ, triển lãm, hội nghị kết nối cung cầu. Trong giai đoạn này, Đồng Tháp đẩy mạnh kết nối đưa nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh vào hệ thống siêu thị Co.op Mart, Big C, Vin Mart, Bách Hóa Xanh, Tứ Sơn, Annam Gourmart Market, cửa hàng bán lẻ Vissan.

Trong khuôn khổ Hội chợ triển lãm thương mại “Sản phẩm OCOP – Kết nối vươn xa” vừa được UBND tỉnh tổ chức, có 6 nhà phân phối (Big C, MM Mega market, Sài Gòn Co.op, Vinmart, Bách Hóa Xanh, Siêu thị Tứ Sơn, Sàn thương mại điện tử TiKi) và trên 80 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở có sản phẩm OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc sản tỉnh Đồng Tháp tham gia kết nối. Kết quả có 37 biên bản ghi nhớ được ký kết hợp tác về cung ứng tiêu thụ sản phẩm, xây dựng vùng nguyên liệu và gói tín dụng ưu đãi…

Ông Tạ Minh Sơn – Giám đốc Siêu thị Tứ Sơn chia sẻ, thời gian qua, nhiều sản phẩm OCOP của Đồng Tháp gắn kết với siêu thị Tứ Sơn khá bền chặt, lượng hàng tiêu thụ khá cao. Dưới góc độ thị trường, chương trình OCOP không chỉ khai thác tài nguyên bản địa, nâng cao thu nhập cho người dân mà còn từng bước đẩy lùi hàng giả, kém hất lượng.

Ngoài ra, tỉnh còn triển khai thực hiện trưng bày, quảng bá các sản phẩm tại các khu, điểm du lịch trên trong tỉnh. Thành lập Trung tâm giới thiệu đặc sản và quảng bá du lịch Đồng Tháp tại Hà Nội đưa các sản phẩm OCOP và các sản phẩm đặc sản của tỉnh giới thiệu tại thị trường khu vực phía Bắc.

Trước khi bắt tay vào thực hiện chương trình OCOP, năm 2018, toàn tỉnh có 61 mặt hàng thế mạnh, chủ yếu là sản phẩm truyền thống. Sau 2 năm thực hiện chương trình, tỉnh có 161 sản phẩm OCOP đạt chứng nhận từ 3 – 4 sao. Trong đó, có 4 sản phẩm tiềm năng 5 sao tỉnh đang lập hồ sơ trình đề nghị Trung ương xét đánh giá, phân hạng. Kết quả này đạt và vượt 5 lần so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Tạo điều kiện thuận lợi giúp sản phẩm OCOP phát triển

Theo UBND tỉnh, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, Chương trình OCOP tan tỏa trên khắp địa bàn tỉnh. Các địa phương quan tâm, khai thác các nguồn tài nguyên bản địa, hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm tiềm năng OCOP chuẩn hóa sản phẩm. Từ sự hỗ trợ đó, các chủ thể quan tâm hơn về kiểm soát chất lượng sản phẩm, bảo hộ nhãn nhiệu, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, bán hàng. Ngoài những kênh truyền thống, hiện nay, các chủ thể sản phẩm OCOP linh hoạt bán hàng trên các trang điện tử Tiki, Lazada, Shopee, sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Đồng Tháp.

Tham gia chương trình OCOP năm 2020, sản phẩm gạo Ngọc đỏ hương dứa của anh Nguyễn Anh Dũng – Giám đốc Hợp tác xã Giống nông nghiệp Định An đạt 3 sao, tạo thêm cơ hội cho sản phẩm này mở rộng thị trường. Nguyễn Anh Dũng chia sẻ: “Chứng nhận OCOP giúp sản phẩm của tôi tiếp cận tốt hơn với người tiêu dùng rất tốt. Chỉ trong vài ngày diễn ra Hội chợ triển lãm thương mại “Sản phẩm OCOP – Kết nối vươn xa” gian hàng của tôi đã bán trên 800kg gạo. Với những tín hiệu tích cực này, tôi tiếp tục chuẩn bị các phần việc cụ thể nhằm nâng cấp sản phẩm lên 4 sao để nhiều người biết đến sản phẩm đặc sản của quê hương”.

Theo UBND tỉnh, qua quá trình triển khai chương trình OCOP, Đồng Tháp đúc kết một số kinh nghiệm quan trọng. Yếu tố tiên quyết giúp chương trình phát triển chính là cần sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở; sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ. Để thực hiện tốt chương trình OCOP, địa phương cần linh hoạt, chủ động khai thác, phát huy tốt các yếu tố tiềm năng, các giá trị bản địa từ các sản phẩm sẵn có; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về nội dung, ý nghĩa của chương trình. Việc tổ chức đánh giá sản phẩm OCOP có sự quan tâm phối hợp, hỗ trợ từ các đơn vị hữu quan với phương châm hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho các chủ thể tham gia đánh giá, hoàn thiện hồ sơ sản phẩm…

Ông Phạm Thiện Nghĩa – Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp chia sẻ, với tư duy kinh tế thị trường, năm nay, có nhiều sản phẩm OCOP mang giá trị gia tăng cao với sự đầu tư tâm huyết của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Kết quả này góp phần “đánh thức” khu vực nông thôn, hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, phát triển mạnh mẽ phong trào khởi nghiệp của tỉnh. Trong thời gian tới, Đồng Tháp sẽ luôn đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi giúp sản phẩm OCOP vươn xa.

Với những kết quả đạt được, tỉnh định hướng thực hiện chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu đề ra là góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho Nhân dân. Thông qua việc phát triển sản xuất tại khu vực nông thôn góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn phù hợp, bảo vệ môi trường và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của nông thôn.

Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh đề ra mục tiêu phấn đấu đào tạo tập huấn kiến thức chuyên môn quản lý sản xuất, kinh doanh cho khoảng 1.500 cán bộ quản lý Nhà nước thực hiện chương trình OCOP và 100% lãnh đạo doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, chủ hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh tham gia chương trình OCOP. Bên cạnh đó, duy trì, củng cố các sản phẩm đạt chứng nhận 3 sao, 4 sao; phấn đấu tiêu chuẩn hóa ít nhất 10% các sản phẩm đạt 4 sao OCOP đủ điều kiện tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp Quốc gia.

Trong giai đoạn tới, tỉnh phấn đấu có khoảng 150 sản phẩm mới của 70 chủ thể tham gia chương trình OCOP trong giai đoạn tiếp theo; triển khai thực hiện hiệu quả 2 mô hình chỉ đạo điểm của tỉnh. Triển khai xây dựng Trung tâm Thiết kế sáng tạo phát triển sản phẩm OCOP gắn với quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên cơ sở kết hợp vào không gian hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của tỉnh.

Bên cạnh đó, phấn đấu có ít nhất 50% số sản phẩm đạt chứng nhận OCOP được kết nối liên kết với các hệ thống siêu thị hoặc trung tâm thương mại và có 1 quầy giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP tại các điểm du lịch lớn.

Trích Nguồn: ocop.gov.vn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây