Trầm cảm sau sinh thường xảy ra ở khoảng 10 – 20% phụ nữ sau khi sinh. Phụ nữ bị trầm cảm thường chán nản, mệt mỏi và hình thành những suy nghĩ tiêu cực về bản thân. Nghiêm trọng hơn là muốn giết cả con. Vì vậy, gia đình cần có sự quan tâm đối với phụ nữ sau sinh để phát hiện bệnh sớm và có hướng điều trị phù hợp.
Dấu hiệu nhận biết trầm cảm sau sinh
Triệu chứng về cảm xúc
Phụ nữ có cảm giác buồn bã kéo dài, không rõ nguyên nhân. Khi mức độ buồn chán tăng lên có thể dẫn đến hành vi bạo lực với con, thậm chí là tự sát.
Cảm xúc thường trống rỗng, tuyệt vọng, chán nản. Cơ thể lúc nào cũng mệt mỏi, kiệt sức và thiếu năng lượng.
Luôn mặc cảm bản thân xấu xí, vô dụng. Lo lắng, nhiều luồng suy nghĩ đan xen trong đầu nhưng đa phần đều mơ hồ, không rõ ràng. Sợ hãi, lo lắng và luôn có cảm giác bản thân làm tổn thương con. Sợ bị bỏ rơi, sợ ở 1 mình và sợ phải đi ra bên ngoài
Mẹ nên nói chuyện với gia đình và bác sĩ để tránh có những hành động không tốt đến con mình.
Về hành động:
Không hứng thú và không quan tâm với mọi thứ xung quanh. Giảm sự yêu thích với những thói quen, món ăn, hoạt động yêu thích trước đây. Phụ nữ sẽ có cảm giác kiệt sức, nhanh mệt mỏi sau khi làm việc. Không muốn thực hiện bất cứ hoạt động nào.
Ăn uống quá mức hoặc chán ăn và không quan tâm, chăm sóc bản thân
Ngủ ngày, thức đêm, ngủ quá nhiều, mất ngủ, thường xuyên gặp ác mộng,…
Không muốn tiếp xúc với những người xung quanh
Biểu hiện về suy nghĩ:
Khó khăn khi đưa ra quyết định cả với những việc đơn giản nhất
Hay bị nhầm lẫn, giảm trí nhớ
Giảm sự tập trung khi làm việc nhà, chăm sóc con cái, học tập và làm việc
Có ý nghĩ hoặc hành vi tự sát
Có ý nghĩ làm tổn thương bé và người thân
Triệu chứng khác:
- Vã mồ hôi
- Hồi hộp
- Giảm hứng thú tình dục, cảm thấy khó chịu khi bạn đời ôm ấp, gần gũi
- Cảm thấy đau dữ dội ở cổ và đầu, lưng, ngực nhưng khi khám thì không tìm ra nguyên nhân.
Mẹ tham khảo thêm bài viết: 10 dấu hiệu tâm lý mẹ bầu gây trầm cảm sau sinh
Trầm cảm sau sinh ảnh hưởng thế nào?
Trầm cảm sau sinh có thể khiến mẹ bị suy dinh dưỡng, suy nhược thần kinh. Có những suy nghĩ hoang tưởng và dễ dẫn đến hành vi nguy hiểm gây hại cho bản thân. Trầm cảm có thể gây mất sữa. Làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tiêu hóa, tim mạch
Người mẹ bị trầm cảm sẽ không có đủ tâm trí để chăm sóc cho gia đình và con tốt. Khi bị nặng người mẹ thường hay có suy nghĩ tự tử. Một số trường hợp bị rối loạn tâm thần và luôn có cảm giác bị hại nên luôn tìm cách để trả thù những người xung quanh. Có những suy nghĩ về việc đứa bé bị ma quỷ nhập nên tìm cách trừ tà, hại đến tính mạng của bé. Đã có rất nhiều vụ việc đau lòng xảy ra khi phụ nữ bị trầm cảm sau sinh.
Trẻ có mẹ mắc chứng trầm cảm cũng phải đối mặt với những ảnh hưởng nặng nề. Như chỉ số IQ thấp, kỹ năng học hỏi giảm, gặp khó khăn trong quá trình học tập. Có cảm xúc, hành vi bất thường. Gặp khó khăn trong các mối quan hệ xã hội, có nguy cơ mắc chứng tự kỷ. Lòng tự tin của trẻ thấp, thụ động, dễ lo âu và sợ hãi
Điều trị bệnh trầm cảm sau sinh bằng cách nào?
Trầm cảm sau sinh nếu ở giai đoạn tạm thời thì sự giúp đỡ của gia đình là cách để người mẹ nhanh chóng phục hồi. Mẹ bị trầm cảm sau sinh cũng cần được bác sĩ điều trị. Nếu đơn thuốc không phù hợp thì cần phải thay đổi đơn thuốc để nâng cao hiệu quả.
Gia đình đừng xem mẹ bị trầm cảm sau sinh như người bị bệnh. Hãy giúp mẹ trông con để mẹ được nghỉ ngơi và làm những điều mẹ thích.
Một trong những phương pháp điều trị trầm cảm sau sinh được áp dụng phổ biến là sử dụng thuốc. Tuy nhiên, phụ nữ sau sinh có thể gặp phải một số tác dụng phụ khi dùng thuốc do thuốc bài tiết qua sữa mẹ. Bác sĩ sẽ cân nhắc kỹ lưỡng giữa rủi ro và lợi ích trước khi chỉ định thuốc. Một số trường hợp, mẹ cần ngưng cho trẻ bú trong thời gian điều trị.
Bên cạnh việc dùng thuốc thì phải duy trì chế độ dinh dưỡng tốt. Bổ sung đầy đủ vitamin B6 hoặc vitamin tổng hợp hàng ngày.
Mẹ có thể tìm đến các chuyên gia tâm lý để nói chuyện thoải mái và bày tỏ nỗi lòng. Phương pháp này tác động tích cực đến tư duy, suy nghĩ, hành động của mẹ trầm cảm sau sinh. Các chuyên gia tâm lý sẽ giúp mẹ có nhận thức mới mẻ, thay đổi hành vi lệch lạc…
Mẹ bị trầm cảm sau sinh cần phải tin tưởng mình sẽ tốt hơn. Kiên nhẫn và tin tưởng vào phương pháp điều trị của bác sĩ. Quan trọng là hãy thư giãn, đừng ép bản thân làm những điều mình không thích hoặc những điều gây khó chịu. Cần đảm bảo luôn có người thân bên cạnh mẹ và bé trong thời gian điều trị