Các loại gia vị trong ẩm thực không những là thành phần quan trọng để tạo nên những món ăn thơm ngon, đầy đủ hương sắc mà còn mang đậm nét đặc trưng văn hóa của một quốc gia, dân tộc. Ngoài tác dụng làm tăng hương vị và tăng tính thẩm mỹ cho các món ăn, gia vị sẽ tăng cường sức khỏe cho bạn nếu sử dụng đúng cách. Hãy trang bị đủ gia vị trong nấu ăn cho căn bếp nhà bạn để có thể tạo ra những món ăn ngon như ý muốn.
Gia vị là gì?
Gia vị được định nghĩa là các loại thực phẩm, thực vật có chứa tinh dầu tạo mùi thơm hoặc các hợp chất hóa học cho thêm vào món ăn. Sự kết hợp của các gia vị trong một món ăn có thể kích thích vị giác, khứu giác và thị giác cho người sử dụng.
Các loại gia vị trong nấu ăn khi kết hợp với nhau không những mang lại hương sắc cho các món ăn mà chúng còn ẩn chứa trong mình những tác dụng dược học vô cùng tốt cho sức khỏe của người sử dụng. Một số loại gia vị tác dụng rất tốt với hệ tiêu hóa, điều hòa đường huyết, giảm stress, cải thiện trí nhớ,…
Chính vì thế, việc sử dụng các loại gia vị thích hợp cho món ăn luôn phản ánh sự khéo léo, sự tinh tế như một nghệ thuật ẩm thực đối với người đầu bếp.
Công dụng từ gia vị
Gia vị không những giúp kích thích cảm giác thèm ăn, ăn ngon miệng mà nó còn có tác dụng rất tốt với hệ tiêu hóa của chúng ta. Nhờ có gia vị mà hệ tiêu hóa được kích thích và làm việc hiệu quả hơn.
Có rất nhiều gia vị với công dụng khác nhau được sử dụng trong chế biến hiện nay như: nước mắm, muối ăn, bột canh…là gia vị tạo vị mặn, ớt, hạt tiêu, mù tạt…được dùng để tạo vị cay, một số loại rau có mùi thơm như rau húng, rau mùi, rau răm, hành, tỏi,…đều có chứa tinh dầu mang hương vị đặc trưng thường được dùng để ăn kèm hoặc cho thêm vào các món ăn trong quá trình chế biến.
Một người đầu bếp biết cách sử dụng khéo léo và tinh tế các loại gia vị được xem là rất thành công. Họ giống như người nghệ sỹ và mỗi món ăn là tác phẩm của họ.
Các loại gia vị phổ biến
Dựa vào nguồn gốc, gia vị trong nấu ăn có thể được chia thành 4 loại bao gồm: gia vị có nguồn gốc thực vật, gia vị có nguồn gốc động vật, gia vị lên men vi sinh và gia vị có nguồn gốc vô cơ.
Gia vị có nguồn gốc từ thực vật
Gia vị có nguồn gốc từ thực vật được sử dụng rất phong phú và đa dạng, có thể kể tên đến như:
- Các loại lá tạo mùi thơm như: Lá bạc hà (mint), nguyệt quế, hành lá, rau răm, húng quế, cần tây, hành boa rô, kinh giới, rau mùi, hương thảo, lá dứa…
- Các loại quả: Chanh, bưởi, ớt, khế chua, quả me, quả sấu…
- Các loại hạt: Hạt tiêu, hạt ngò,hạt dổi…
- Các loại củ: Gừng, tỏi, hành tây, củ riềng, hành củ, nghệ, củ kiệu,…
- Các loại thực vật khác: Nấm hương, nước dừa, nước cốt dừa…
- Các loại gia vị đã được chế biến, phối trộn các nguyên liệu lại với nhau: Tương ớt, thính, mù tạt, dầu thực vật, bơ thực vật, ngũ vị hương, bột cà ri,…
- Các loại thảo mộc, thuốc dùng trong đông y: Táo tàu, kỷ tử, sa nhân, sâm, cam thảo, quế, đại hồi, sa nhân, đinh hương, bột dành dành,…
Gia vị có nguồn gốc từ động vật
Các loại gia vị có nguồn gốc từ động vật cũng phong phú không kém:
Đầu tiên phải kể đến các loại mắm như: Mắm các loại (làm từ cá, tôm, cua, cáy, rươi, tép v.v.) như mắm tôm, mắm tép, mắm tôm chua, mắm rươi, mắm cáy, mắm cua đồng, mắm bò hóc, mắm ba khía, mắm nêm…
Các loại nước mắm làm từ cá (như cá cơm, cá thu, cá chẻm, cá đối, cá ngát v.v.)
Các loại gia vị có chứa tinh dầu: Tinh dầu cà cuống, long diên hương, túi mật của một số động vật, mỡ lợn, dầu hào.
Các loại sữa và các chế phẩm từ sữa: Sữa động vật (bò, cừu, dê,..), các loại bơ và kem béo.
Một số gia vị tạo độ ngot được lấy từ thịt động vật như sá sùng, tôm khô, khô mực…
Ngoài ra, mật ong cũng được xem là một trong những loại gia vị quan trọng.
Gia vị lên men vi sinh
Một số loại gia vị lên men vi sinh tiêu biểu như: Mẻ, giấm thanh, rượu nếp, rượu vang, rượu, chao, nước tương,…
Gia vị có nguồn gốc vô cơ
Có thể kể đến một vài ví dụ như: Acid citric (tạo vị chua, thay thế cho chanh), muối ăn, đường, mì chính, bột canh,…
Kết hợp các loại gia vị có những đặc tính riêng biệt để cho ra đời những món ngon có hương vị hòa quyện hoàn hảo là cả một nghệ thuật. Tùy theo nhu cầu ăn uống của gia đình mình, chúng ta nên chuẩn bị gia vị trong nấu ăn phù hợp và đầy đủ để đảm bảo món ăn ngon lành và đúng vị.